Đánh giá sau gần 7 năm thực hiện cuộc vận động cho thấy, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động và các Bộ liên quan, điển hình là Bộ Công Thương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động; tăng cường công tác quản lý nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh cũng đã triển khai tích cực, đồng bộ theo các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong thông báo Kết luận 264-TB/TW của Bộ Chính trị. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều hoạt động hiệu quả…

Đáng nhấn mạnh, Cuộc vận động đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn tiêu dùng hàng Việt, giúp DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất quản lý, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đảm bảo sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các DN cũng đã có nhận thức đúng đắn và tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hợp lý, ngày càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Thành viên Ban thư ký Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động: Cuộc vận động đã tạo ra thông điệp mới, giúp người tiêu dùng nhận diện đầy đủ hơn, rõ nét hơn về tuần hàng Việt, ngày hàng Việt, tháng hàng Việt. Qua đó nâng cao lòng tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chia sẻ tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, Ban chỉ đạo Cuộc vận động nhiều địa phương thời gian qua chưa chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy về công tác tuyên truyền, thực hiện Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị; Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, kém chất lượng vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường. Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Nhiều DN còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao; Vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của cuộc vận động đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước. Còn có tư tưởng ham giá rẻ nhập khẩu, còn mang tâm lý sính hàng ngoại mà chưa chú trọng dùng hàng Việt…

Trước những kết quả đạt được trong giai đoạn qua, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Cuộc vận động năm 2016: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước…

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo cũng đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư cho chủ trương điều chỉnh tên gọi Cuộc vận động thành “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa và dịch vụ Việt Nam tốt” cho hợp với thực tế của thị trường hàng hóa - dịch vụ Việt Nam hiện nay, khuyến khích các DN cung cấp hàng hóa - dịch vụ đảm bảo chất lượng.

Ban chỉ đạo cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm tra để tất cả các Bộ, ngành đều có chương trình thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2016-2020. Riêng với các tỉnh, thành phố, cần xây dựng chương trình thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2016-2020 gắn với sản xuất và tiêu dùng hàng nội địa. Trên cơ sở đó phân công các ngành, các cấp tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở địa phương.

Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử