Việc tăng giá thịt bò được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc, nguồn cung gia súc hạn chế ở một số nước, tình trạng thiếu công nhân lò mổ và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Xu hướng đang bắt đầu xáo trộn thị trường nhà cung cấp và tác động đến chính sách.
Argentina, nhà cung cấp thịt bò lớn thứ hai cho Trung Quốc sau Brazil, vào ngày 17/5 đã tạm dừng xuất khẩu trong một tháng do nước này phải vật lộn với lạm phát tăng cao. Nguyên nhân là do nhu cầu cao từ châu Á đã làm giảm nguồn cung thịt bò trong nước và tăng giá nội địa.

Giá thịt bò ở Trung Quốc vào cuối tháng 4 cao hơn 4,4% so với một năm trước đó, trong khi giá thịt lợn giảm 27,9%.

Trong báo cáo của ngành công nghiệp thịt cho thấy, giá thịt bò ở Argentina đã tăng hơn 60% trong một năm. Tiêu thụ bình quân đầu người đã giảm xuống, chạm mức thấp nhất trong 100 năm vào tháng 4.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 178.482 tấn thịt bò từ Argentina, tăng từ 152.776 tấn một năm trước đó.
Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu là bò già không được tiêu thụ trong nước, theo cơ quan quản lý ngành công nghiệp thịt của Argentina, cơ quan phản đối lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ. Nông dân đã phản đối lệnh cấm với việc ngừng buôn bán vật nuôi tại địa phương.
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thịt sau khi có dịch tả lợn châu Phi, khiến đàn lợn của họ bị tiêu hủy.
Gần đây, Bắc Kinh đã đình chỉ một số nhập khẩu thịt bò từ Australia, nhà cung cấp số 3 của họ từ năm 2018 đến năm 2020, do quan hệ giữa hai nước xấu đi. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc từ đó phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp khác.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc đạt kỷ lục hàng tháng vào tháng 3 là 14.552 tấn, cao hơn nhiều so với tổng lượng xuất khẩu trong cả năm 2019.
Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao của Rabobank cho biết: "Thịt bò trước đây chủ yếu được tiêu thụ bên ngoài gia đình, như tại các nhà hàng. Nhưng thịt bò ngày càng phổ biến để nấu ăn tại nhà".
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, giá thịt bò ở Trung Quốc vào cuối tháng 4 cao hơn 4,4% so với một năm trước đó, trong khi giá thịt lợn giảm 27,9%.
Upali Galketi Aratchilage, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, cho biết việc vận chuyển thịt bò đến các nhà nhập khẩu như Trung Quốc có lợi hơn đối với các nước như Argentina và Brazil do đồng tiền mất giá và nhu cầu nội địa suy yếu. Tuy nhiên, kết quả là xuất khẩu cao hơn có thể làm giảm nguồn cung trong nước, đẩy giá lên.
 Mỹ và Brazil vẫn đang phải vật lộn để bổ sung lượng thịt bò, gà và thịt lợn đông lạnh tồn kho trong nước sau khi các lô hàng đến Trung Quốc tăng vào năm ngoái ngay cả khi COVID-19 tràn qua các lò mổ, công nhân ốm yếu và hoạt động sản xuất khó khăn.
Theo dữ liệu của NielsenIQ, đơn giá trung bình cho thịt bò tươi của Mỹ trong tháng 4 đã tăng 5% so với tháng 3 và tăng khoảng 10% so với một năm trước đó. Giá thịt lợn và thịt gà đều tăng khoảng 5,4% so với năm ngoái.
Tại Australia
Với quy mô gia súc đang ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990, ngành chăn nuôi gia súc Australia đang đứng trước nguy cơ mất đi vị trí xuất khẩu thịt bò lớn thứ hai thế giới mà nguyên nhân chỉ đơn giản là không có đủ sản lượng để phục vụ thị trường toàn cầu. Hậu Covid-19, nhu cầu thịt bò trên toàn thế giới đang tăng đột biến.
Nguy cơ này càng tăng lên khi một số nông dân tiếp tục gửi những con bò cái tới lò mổ thay vì giữ lại để mở rộng đàn.
Dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ trọng bò cái được xử lý tại các lò mổ hiện lên tới 48,2%, vượt quá con số 47% là ngưỡng đảm bảo có đủ bò cái để tái đàn. Mặc dù hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ này xuống, Australia cần hành động ngay bây giờ bởi đó là quá trình kéo dài nhiều năm và ngành thịt bò đang đối mặt với những "cơn gió ngược".
Sau nhiều năm hạn hán khiến diện tích đồng cỏ thu hẹp đáng kể, người nông dân Australia đã buộc phải giảm quy mô đàn gia súc. Năm 2019, giá thịt bò từng giảm xuống mức chỉ bằng một nửa hiện nay do nguồn cung dư thừa.
Người chăn nuôi cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ các loại đạm thay thế trong bối cảnh các vấn đề môi trường và sức khỏe khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang những sản phẩm thịt có nguồn gốc thực vật.
Trước đây giá gia súc ở Australia tương đồng với giá ở khu vực Nam Mỹ, nhưng hạn hán trong giai đoạn 2014-15 đã khiến nguồn cung từ Australia bị khan hiếm, đẩy giá tăng vọt. Đồng real Brazil và đồng peso Argentina yếu đi trong những năm gần đây cũng đem đến cho các nhà sản xuất Australia lợi thế.
Với đôla Australia hiện đã lên gần 0,8 USD, các sản phẩm xuất khẩu của Australia trở nên ngoài tầm với đối với rất nhiều nhà nhập khẩu. Thậm chí thịt bò Úc đã đắt hơn cả bò Mỹ - loại vốn vẫn luôn giữ vị trí thịt bò đắt nhất thế giới.
Mới đây chính phủ Indonesia đã cảnh báo nước này sẽ tìm kiếm các nguồn cung khác vì thịt bò Australia quá đắt đỏ. Indonesia là thị trường xuất khẩu thịt bò lớn nhất của Australia.
Mặc dù Australia chỉ chiếm khoảng 4% tổng sản lượng thịt bò trên toàn cầu, đây vẫn là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất với các thị trường chủ chốt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm ngoái tổng lượng xuất khẩu đã giảm 15% do mức giá cao kỷ lục làm giảm nhu cầu.
Tuy nhiên vị thế của thịt bò Australia tại những thị trường này đang ngày càng bị đe dọa, cộng thêm tác động từ những hiệp định tự do thương mại khiến thịt bò Mỹ có ưu thế hơn. Ngoài ra không giống như ngành chăn nuôi bò ở Mỹ, những con bò ở Australia chủ yếu được nuôi bằng cỏ thay vì ngũ cốc, do đó chịu tác động từ biến đổi khí hậu nhiều hơn.

Nguồn: VITIC/Reuters