Theo Báo cáo kinh tế và tài chính Esade do Đại học Pablo de Olavide (Tây Ban Nha) công bố, nền kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục tăng trưởng, vượt xa kỳ vọng sau đại dịch và định vị là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực đồng Euro. Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2022 và 2,5% trong năm 2023, dự báo nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng từ 2,2% - 2,3% trong năm 2024. Nền kinh tế Tây Ban Nha phục hồi trong 2 năm qua là kết quả của sự gia tăng chi tiêu của khu vực công và khu vực nhân, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh mẽ, khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng với chi phí tăng cao do cuộc xung đột Nga – Ukraina nhờ năng lực trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào của Tây Ban Nha và việc khai thác tích cực các nguồn năng lượng tái tạo
Tỷ lệ lạm phát
Tháng 6/2024, tỷ lệ lạm phát của Tây Ban Nha tăng ở mức 3,4%, thấp hơn mức cao nhất trong hơn một năm qua là 3,6% vào tháng 5 năm 2024. Các động lực chính khiến lạm phát chung giảm tốc là giá vận tải (2,7% so với 3,8%), do chi phí nhiên liệu giảm và thực phẩm & đồ uống không cồn (4,2% so với 4,4%), do giá dầu và chất béo giảm. Tỷ lệ lạm phát lõi, không bao gồm các mặt hàng biến động như thực phẩm và năng lượng, ở mức 3% vào tháng 6 năm 2024, bằng với mức dự báo và không đổi so với tháng 5 năm 2024.
Thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha đã giảm xuống còn 11,27% trong quý II năm 2024, mức thấp nhất kể từ quý III năm 2008 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 11,4%. Số người thất nghiệp đã giảm 222.600 người so với quý I năm 2024 xuống còn 2,755 triệu người, trong khi số người có việc làm tăng thêm 435.000 người lên 21,685 triệu người. Tỷ lệ lao động tham gia lực lượng lao động đã tăng lên 58,9% trong quý II năm 2024 từ mức 58,63% trong quý I năm 2024.
Sản xuất công nghiệp và dịch vụ
Theo https://tradingeconomics.com, tháng 5/2024, sản lượng công nghiệp của Tây Ban Nha tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,2% so với tháng liền trước, thấp hơn so với mức dự báo của các nhà phân tích là 1,4%. Sản lượng hàng tiêu dùng đạt mức tăng trưởng 2,6% và hàng trung gian tăng 1,1% nhưng sản lượng hàng năng lượng giảm -1,3%.
Chỉ số PMI Tổng hợp của Tây Ban Nha giảm xuống 55,8 vào tháng 6/2024 từ mức 56,6 vào tháng 5/2024, là mức cao nhất kể từ tháng 3/2023. Mặc dù giảm nhưng sự tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân được duy trì và tăng cao, vì cả hoạt động sản xuất (52,3 so với 54) và hoạt động của khu vực dịch vụ (56,8 so với 56,9) đều tăng, mặc dù tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất đã giảm đáng kể.
Tháng 6/2024, chỉ số PMI Dịch vụ của Tây Ban Nha đạt mức 56,8, gần như không đổi so với mức cao nhất trong 13 tháng qua là 56,9 trong tháng 5/2024, vượt qua kỳ vọng của thị trường là 56,4 và đây là mức tăng trưởng trong tháng thứ 10 liên tiếp.
Chỉ số PMI Sản xuất của Tây Ban Nha đã giảm xuống còn 52,3 vào tháng 6/2024, giảm so với mức 54 của tháng 5/2024 và không đạt được dự báo của thị trường là 53. Số liệu mới nhất này cho thấy cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng nhờ nhu cầu tốt nhưng chậm hơn nhiều so với tháng 5/2024, một phần là do sự không chắc chắn sau các cuộc bầu cử ở châu Âu.
Tình hình thương mại giữa Tây Ban Nha và Việt Nam
Theo số liệu từ tradingeconomics.com, Việt Nam được Tây Ban Nha xếp vào diện nước được ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Tây Ban Nha ở khu vực châu Á. Tây Ban Nha bắt đầu cấp viện trợ ODA cho Việt Nam từ năm 1996, chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông thôn, khai thác tài nguyên, thủy sản, du lịch, bảo vệ môi trường... Chính phủ Tây Ban Nha ngày càng quan tâm phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam, các doanh nghiệp Tây Ban Nha cũng đang tích cực mở rộng quan hệ buôn bán với các đối tác Việt Nam. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Tây Ban Nha sang Việt Nam du lịch kết hợp tìm kiếm đầu mối để thiết lập quản lý xuất nhập khẩu.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi đầy phức tạp, việc nắm bắt và thúc đẩy mối quan hệ thương mại với các nước thuộc Liên minh châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng là một những chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu đối với nước ta. Điều này đặc biệt quan trọng khi mà cả Việt Nam và Tây Ban Nha đang được hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại như Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Nhờ đó những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đã có những bước phát triển tích cực. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng trong quan hệ thương mại song phương.
Trong thời gian tới quan hệ ngoại thương của hai nước còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển. Các cơ hội tiềm năng thể hiện rõ ở việc tại khu vực châu Âu, Tây Ban Nha là thị trường tiêu thụ lớn cho tất cả các ngành hàng tiêu dùng xuất khẩu của Việt Nam vì quy mô dân số đông trên 47 triệu người và thu nhập bình quân khá cao (khoảng 36,7 ngàn USD/năm).
Tây Ban Nha cũng là thị trường giàu tiềm năng cho tiêu thụ nội địa trực tiếp các sản phẩm nông thủy sản và rau quả nhiệt đới của nước ta, nhất là các sản phẩm trái vụ và các sản phẩm thô là đầu vào phù hợp cho nền công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu rất phát triển tại Tây Ban Nha. Ngoài ra, Tây Ban Nha còn có vị trí địa lý thuận tiện là “cửa ngõ” trung chuyển hàng hóa đi Bắc Phi và thị trường châu Mỹ Latin, trong đó có các ngành hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, hạt điều và thực phẩm chế biến.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Tây Ban Nha gồm: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt, may; giày dép các loại; sắt thép; cà phê; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Tây Ban Nha chủ yếu là dược phẩm, máy móc, sản phẩm hóa chất, chất dẻo, nguyên phụ liệu dược phẩm… Một trong những yếu tố quan trọng đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại hai chiều này là nỗ lực của cả hai bên trong việc tăng cường giao thương và hợp tác.
Cả Việt Nam và Tây Ban Nha đã thực hiện các biện pháp thúc đẩy thương mại, như tổ chức các triển lãm thương mại, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, cũng như tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức thương mại. Tóm lại, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đang phát triển tích cực, tạo ra những cơ hội mới và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia. Tuy vậy, để duy trì và phát triển mối quan hệ này, cần có sự nỗ lực và cam kết từ các bên liên quan, cũng như sự hỗ trợ từ các thỏa thuận thương mại quốc tế. Theo số liệu thống kê từ Trademap, trong năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 27 của Tây Ban Nha, chiếm tỷ trọng 0,77% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Tây Ban Nha, cải thiện so với mức tỷ trọng 0,66% của năm 2022.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Tây Ban Nha năm 2023 đạt 3,94 tỷ USD, tăng 11,33% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,31 tỷ USD, tăng 11,74% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 625,89 triệu USD, tăng 9,21% so với năm 2022
Trao đổi thương mại Việt Nam - Tây Ban Nha trong những năm gần đây liên tục tăng nhanh, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn. Tây Ban Nha có những vùng khí hậu rất lạnh nên nhu cầu về hàng may mặc mùa đông khá lớn, ngoài ra nhu cầu về các mặt hàng như giày dép, đồ gia dụng, thủy hải sản... cũng khá cao. Đây chính là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha mới chỉ tập trung ở một số mặt hàng truyền thống, chưa quan tâm mở rộng sang các lÜnh vùc khác nên nhiều cơ hội xuất khẩu bị bỏ lỡ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác trong sản xuất hàng hóa với phía đối tác Tây Ban Nha phục vụ mục đích xuất khẩu sang các thị trường lân cận. Phía doanh nghiệp Tây Ban Nha cho biết, họ đang mong muốn hợp tác và chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam về kinh nghiệm và công nghệ.
Xuất khẩu hàng hóa của Tây Ban Nha sang Việt Nam
Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, xuất khẩu hàng hóa của Tây Ban Nha sang Việt Nam tăng liên tiếp trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha sang Việt Nam đạt 38,2 triệu USD, tháng 2/2024 đạt 41,3 triệu USD, tháng 3/2024 54,7 triệu USD, tháng 4/2024 48,2 triệu USD, tháng 5/2024 49,4 triệu USD, tháng 6/2024 59,3 triệu USD. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha sang Việt Nam đạt mức 317,5 triệu USD, tăng 0,42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu hàng hóa của Tây Ban Nha từ Việt Nam
Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, Tây Ban Nha là một thị trường nhập khẩu lớn, hàng hóa nhập khẩu không chỉ đáp ứng nhu cầu của 44 triệu người dân mà còn phục vụ cho khoảng 55 triệu khách du lịch nước ngoài đến đây hàng năm. Hơn nữa, hàng hóa nhập khẩu còn tái xuất sang các nước thứ 3.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại song phương đạt tốc độ tăng trung bình 20%/năm. Hiện tại, có nhiều công ty sản xuất thiết bị y tế của Tây Ban Nha đang quan tâm tìm kiếm đối tác ở Việt Nam. Những sản phẩm thiết bị y tế của Tây Ban Nha đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU, giá lại rẻ hơn tới 50% so với nhập khẩu từ Mỹ và 20% so với nhập khẩu từ Đức, hơn nữa lại phù hợp với khả năng sử dụng ở Việt Nam. Tây Ban Nha cũng đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa từ Việt nam sang Tây Ban Nha đạt 1,965 tỷ USD, tăng 20,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 288 triệu USD, tăng 27,76% so với cùng kỳ năm ngoái.