Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanhCitibank Việt Nam: Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,4%
Chia sẻ tại Hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm 2024” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Mặc dù chưa đưa ra lộ trình rõ ràng nhưng FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) đã gửi tín hiệu tới thị trường về việc có thể sẽ giảm lãi suất vào cuối quý III đầu quý IV/2024 sau khi thấy tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 đã kiểm soát được ở mức lạc quan hơn dự báo, dù vẫn còn xa lạm phát mục tiêu là 2%.
Ngoài ra, một vấn đề cũng tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Mỹ và lan toả ra các thị trường chứng khoán trên thế giới đó là cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và câu chuyện ông Donal Trump thoát nạn trong cuộc ám sát hụt vừa qua đã đưa cuộc tranh cử vào một khúc quanh mới. 
Nhìn về kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, GDP quý II/2024 của Việt Nam ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5% nhờ đà phục hồi của nhu cầu thế giới, nhất là tại các đối tác lớn của Việt Nam. Cán cân thương mại thặng dư 11,63 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.
6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm.
“Kết quả khả quan này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam” – ông Nguyễn Trí Hiếu thông tin. 
Bên cạnh tín hiệu từ tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và thu hút đầu tư, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực tăng 7,7% so với cùng kỳ chủ yếu là do xuất khẩu và cầu nội địa tăng khá. Chỉ số PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) sản xuất đạt 54,7 điểm trong tháng 6/2024, tăng mạnh so với mức 50,3 điểm của tháng 5/2024 và mức 50,5 điểm của tháng 6/2023 và mức 52,5 điểm của tháng 6/2019, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 nhờ sự cải thiện tích cực của đơn hàng mới, xuất khẩu và niềm tin kinh doanh.
Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024, TS Lê Xuân Nghĩa dự báo, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan cho nửa năm sau nếu FED quyết định hạ lãi suất, làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, lạm phát và tác động tích cực đến các cân đối vĩ mô khác. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu FED hoãn lại việc giảm lãi suất thì nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam dược dự báo, trong đó có việc tỷ giá và lạm phát tăng và những tác động bất lợi cho đầu tư nước ngoài.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đã chỉ ra những điểm nổi bật nhất về chính sách từ nay đến cuối năm 2024 có thể tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đó là 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào ngày 1/8/2024. Trong đó, có một số các nghị định, quy định chi tiết một số điều của 3 luật trên thuộc thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ.
“Thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi một cách tích cực về hiệu lực và hiệu quả của các Luật và Nghị định quan trọng này. Đặc biệt, khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc. Nguồn cung về bất động sản và nhà ở cũng đang có dấu hiệu tăng và hy vọng sau ngày 1/8, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài sản nói chung bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi tích cực” – TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Một lĩnh vực khác rất quan trọng có liên quan đến 3 luật và các nghị định này là đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đầu tư công năm 2024 giải ngân chậm hơn so với năm 2023. Một trong những lý do của sự chậm trễ này là các doanh nghiệp và dân cư đang chờ đợi cơ chế giá mới về đất để đền bù giải phóng mặt bằng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, tức là giá đất phải được hình thành theo nguyên tắc thị trường. 
Sự chờ đợi này khiến cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng năm nay gặp khó khăn lớn. Nhiều tỉnh năm ngoái rất thành công trong việc giải ngân đầu tư công như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng thì năm nay vướng mắc bởi nguyên nhân chờ đợi giá mới giải phóng mặt bằng cho cả các dự án đầu tư công và các dự án tư nhân có liên quan đến đất đai, mặt bằng kể cả đầu tư nhà ở lẫn khu công nghiệp, các dự án về giao thông đường bộ. Trong đó, ở các nhánh của đường bộ cao tốc Bắc-Nam đều gặp vướng mắc tương tự.
“Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nếu được ban hành và thực hiện vào ngày 1/8/2024 là một điểm sáng vô cùng quan trọng cho việc phục hồi kinh tế nói chung và ổn định kinh tế vĩ mô nói riêng” – TS Lê Xuân Nghĩa dự báo và cho rằng: Đây là những luật và nghị định có tác động lan toả rộng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả khu vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông vận tải và đặc biệt là ngành xây dựng. Ba luật trên cũng là một trong những động lực thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân tín dụng ngân hàng và vượt qua thời kỳ đóng băng của thị trường bất động sản.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp đánh giá rất cao việc rút ngắn thời hiệu hiệu lực của 3 luật trên tạo lòng tin để các nhà đầu tư mở rộng đầu tư cho sản xuất kinh doanh và quay lại thị trường chứng khoán một cách tích cực.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nới lỏng, linh hoạt nhằm giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp kể cả trong sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản. 6 tháng cuối năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế. Các chính sách khác có liên quan đến thương mại và công nghiệp cũng sẽ có những tác động tích cực, đặc biệt là các chính sách về chuyển đổi năng lượng trên nền tảng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đang từng bước phát huy tác dụng.
Thương mại quốc tế cũng đã được phục hồi khá tốt trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Bất chấp những khó khăn về địa chính trị, quan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác lớn vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Thặng dư thương mại quốc tế vẫn tiếp tục tăng ngay cả trong điều kiện nhập khẩu tăng cao. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tận dụng khá tốt sự phục hồi của thương mại quốc tế ngay cả trong điều kiện có xung đột ở một vài khu vực…
Tuy nhiên, với tình hình quốc tế và trong nước nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố. "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5%” – TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo.

Nguồn: congthuong.vn