Doanh nghiệp trong nước còn bỡ ngỡ

Phát biểu tại toạ đàm về cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) diễn ra chiều nay (ngày 14/9), ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cho hay, Việt Nam là một nước hội nhập khá sâu với nhiều hiệp định song phương và đa phương đã và đang chuẩn bị kí kết.

Theo ông Thân, các FTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở ra cơ hội tự do làm ăn với các nước. Tuy nhiên, do đây là sân chơi khá mới mẻ nên doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, chưa nắm rõ những khó khăn cũng như thuận lợi.

Phân tích rõ hơn, ông Trần Thanh Hải, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp trong nước có quy mô vốn nhỏ, hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, trình độ quản lý cũng như khả năng tiếp cận thị trường. Một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào thiết bị, công nghệ nhưng còn đơn độc, sản lượng và giá trị cũng chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, quy mô sản xuất, ít dựa vào giá trị gia tăng trên đầu sản phẩm.

“Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh cả trong và ngoài nước, khả năng vận dụng những ưu đãi của FTA cũng hạn chế. Việt Nam còn thiếu vắng những doanh nghiệp đầu tàu, mũi nhọn để vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới, nền kinh tế cũng dễ bị tổn thương trước biến động của thế giới khi phụ thuộc vào thị trường bên ngoài”, ông Hải nói.

Còn theo ông Phạm Khắc Tuyên - Trưởng phòng Đông Bắc Á - Vụ thị trường châu Á Thái Bình Dương, khi tiếp cận với các thị trường khác, ví dụ như Hàn Quốc, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều rất tự ti rằng  không cạnh tranh được. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa làm quen và nghiên cứu phong cách làm việc của đối tác dẫn đến thất bại trong đàm phán hợp tác.

“Khi có một đối tác Hàn Quốc muốn hợp tác, doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải 2 vấn đề: hoặc là chào giá quá vội vàng hoặc không hiểu nên không trả lời email cho đối tác. Các doanh nghiệp tham gia giao dịch với Hàn Quốc nên lưu ý ngay từ khâu làm quen trao danh thiếp ban đầu cho tới duy trì niềm tin trong quá trình làm ăn sau này”, ông Tuyên nói.

15 FTA là ít hay nhiều?

Trao đổi tại toạ đàm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Lâu nay có băn khoăn là chúng ta có đang ký nhiều FTA hay không? Với hàng loạt hiệp định như vậy có tạo ra áp lực thể chế, chính sách và áp lực cho doanh nghiệp không? Hơn nữa, cũng đặt ra vấn đề là với nhiều ưu đãi được hưởng như vậy, doanh nghiệp trong nước có tận dụng hết được hay không hay là dồn hết cơ hội cho các đối tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?”

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, hiện trong 15 FTA đã và đang trong quá trình đàm phán thì có tới 8 hiệp định trong khuôn khổ ASEAN và 2 hiệp định với Nhật và Hàn nhằm củng cố thêm FTA trong khối ASEAN.

Theo ông Khánh, do gần gũi về địa lý nên xuất khẩu có xu hướng gắn bó với khu vực Đông Á, việc ký kết hàng loạt FTA với khu vực này càng làm lệch cán cân thương mại, vốn chiếm tới 60-70% kim ngạch. Do đó, việc đàm phán FTA với các nước như Chile, EU, Liên minh Á Âu hay TPP sẽ giúp Việt Nam đa dạng hoá thị trường và hạn chế rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường lớn.

“Mỹ, EU hay Nga… đều là thị trường có sức mua lớn, giúp xuất khẩu có điều kiện tăng nhanh hơn, cải thiện cơ cấu xuất nhập khẩu. Đây là lý do Việt Nam chọn những thị trường này để đàm phán FTA. Cơ cấu hàng hoá của các thị trường này bổ sung cho Việt Nam chứ không cạnh tranh, giúp gia tăng lợi ích hơn là ký kết các FTA với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hay ASEAN”, Thứ trưởng cho biết.

Nguyên Minh