Thép là vật liệu quan trọng trong ngành công nghiệp ôtô. Nhà sản xuất cần trung bình 900 kg thép để sản xuất ra một chiếc xe hơi. Thép được sử dụng để tạo ra khung, thân, máy, tấm cửa, bộ giảm thanh, ống xả...
Theo Fortune, kể từ tháng 3/2020, giá thép đã tăng 215%. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) là loại thép sử dụng nhiều trong ngành đã tăng lên cao nhất mọi thời đại trong tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7, đạt 1.825 USD/tấn. Trước đại dịch, giá vật liệu này chỉ rơi vào khoảng 500 – 800 USD/tấn.

1-giathep-7503-1626519117.png

Giá thép tăng cao trong thời gian vừa qua. Nguồn: Fortune
Giá thép tăng cao do nhu cầu thế giới tăng, giá quặng sắt đi lên và các chính sắt thắt chặt sản xuất tại Trung Quốc. Việc vật liệu quan trọng trong sản xuất ôtô tăng cao sẽ ảnh hưởng đến ngành này.
Tại Ấn Độ, giá thép tăng từ tháng 10/2020 và được điều chỉnh vào tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, sau đó giá mặt hàng này lại tiếp tục tăng vào tháng 3, tháng 4. Ở đây, ngành ôtô chiếm 9% sản lượng thép tiêu thụ, đứng sau ngành xây dựng và bất động sản với 55-60%.
Nhà sản xuất bù chi phí đầu vào bằng cách tăng giá xe
“Hầu hết các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới tăng giá lần thứ 2 với mức tăng khoảng 1-3% vào tháng 4, sau khi đã tăng 3-4% trong năm nay, để bù đắp tác động của giá thép cao hơn,” Motilal Oswal Institutional Equities, tập đoàn chuyên về tài chính, môi giới của Ấn Độ, nhận định trên trang The Hindu Bussiness Line.
Theo một quan chức cấp cao Honda, nhà sản xuất ôtô - xe máy của Nhật Bản, Honda có kế hoạch tăng giá toàn bộ các mẫu xe tại Ấn Độ từ tháng 8 để bù đắp tác động của việc tăng chi phí đầu vào do giá thép và kim loại quý đi lên. Công ty đang nghiên cứu mức tăng cụ thể.
Rajesh Goel, Phó Chủ tịch cấp cao Honda Cars Ấn Độ cho biết: “Giá nguyên liệu như thép, nhôm và kim loại quý tăng mạnh. Nhiều nguyên liệu tăng ở mức kỷ lục, tác động lớn đến chi phí đầu vào của sản xuất”. Ông Goel cũng tiết lộ, công ty đang tính toán mức tăng cụ thể để áp dụng vào tháng 8 tới.
"Nỗ lực của chúng tôi là giữ cho chi phí mua thấp hơn. Vì vậy chúng tôi cân nhắc xem chúng tôi chịu được chi phí bao nhiêu và sẽ không tránh khỏi việc tăng giá sản phẩm. Việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện vào tháng sau”, ông Goel nói.
Với chi phí đầu vào tăng, Maruti Suzuki Ấn Độ (MSI) vào tháng 6 thông báo tăng giá toàn bộ danh mục sản phẩm của mình trong quý IV. Trước đó, hãng này cũng đã tăng giá một số sản phẩm.
Theo nhà báo Anjani Trivedi của Bloomberg, nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến nhà sản xuất phải giảm ưu đãi và chiết khấu đối với khách hàng. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra ở những thị trường ôtô lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty còn rất ít lựa chọn đề bù đắp chi phí sản xuất leo thang. Khi giá cả tăng cao, người tiêu dùng sẽ không còn chi tiêu thoải mái. Chỉ số đo khả năng chi trả cho phương tiện giao thông của Mỹ đã giảm xuống. Điều đó cho thấy nhiều người bắt đầu đắn đo khi mua xe. Gần 40% khách hàng định mua ôtô đã bỏ ý định.

Nguồn: ndh.vn