Những người đam mê tiền điện tử và các thành viên của ngành tài chính đang háo hức chờ đợi nghiên cứu của Fed để biết những gợi ý về việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ có xác định sẽ phát hành CBDC hay không. Kế hoạch này ban đầu dự kiến sẽ công bố vào mùa hè.
Powell cho biết hiện chưa có quyết định nào được đưa ra và mục đích trên hết là hệ thống thanh toán của Mỹ "ổn định và đáng tin cậy."
Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, ông Powell cho biết: “Chúng tôi đang làm việc tích cực để đánh giá xem có nên ban hành CBDC hay không và nếu có thì theo hình thức nào”. Ông nói với các phóng viên rằng “bài kiểm tra cuối cùng” sẽ được áp dụng khi đánh giá về CBDC là liệu có "lợi ích rõ ràng và hữu hình vượt trội hơn bất kỳ chi phí và rủi ro nào hay không".
Một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ khác với các loại tiền điện tử như bitcoin, được phân cấp và có thể biến động mạnh về giá trị. Mặc dù cơ cấu chính xác chưa được quyết định, nhưng CBDC có thể cung cấp cho cá nhân hoặc doanh nghiệp nắm giữ nó có mối ràng buộc trực tiếp đối với ngân hàng trung ương, giống như với tiền mặt vật chất.
Dự án nghiên cứu tính khả thi của CBDC đã được Fed đưa ra trong hơn một năm qua. Hồi tháng 5 năm nay, Fed tuyên bố sẽ triển khai một nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này trước khi đưa ra báo cáo cuối cùng.
Các quan chức Fed tỏ ra chia rẽ về sự cần thiết của CBDC. Thống đốc Fed chi nhánh Boston Lael Brainard là người ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực này. Trong khi một số người, bao gồm cả Thống đốc Fed Lael Brainard, cho rằng Mỹ nên là nước đi đầu trong khu vực vào thời điểm các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc đang hoạt động mạnh mẽ trong vấn đề này, thì Phó Chủ tịch Giám sát Fed Randal Quarles và những người khác lại hoài nghi về những lợi ích của tiền kỹ thuật số rằng chi phí sẽ tốn kém. Những người ủng hộ như Thống đốc Brainard cho rằng lợi ích từ CBDC cho phép người dân thanh toán nhanh chóng trong những thời kỳ đặc biệt như khủng hoảng đại dịch vừa qua, đồng thời cung cấp dịch vụ thanh toán số tiện lợi cho những người dân không sử dụng tài khoản ngân hàng.
Ông Powell ngày 22/9 đã lặp lại quan điểm của mình rằng ông ấy không nghĩ rằng Mỹ đã chậm chạp trong nỗ lực này. Ông khẳng định Fed không chịu áp lực phải "chạy đua tiến độ" phát hành tiền kỹ thuật số khi các quốc gia đẩy nhanh những dự án tiền số của riêng họ. “Tôi cho rằng điều quan trọng là đi đến quyết định sáng suốt trước khi đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tôi không nghĩ nước Mỹ đang tụt hậu. Làm đúng bao giờ cũng quan trọng hơn làm nhanh”. "Chúng tôi là đồng tiền dự trữ của thế giới và tôi nghĩ rằng chúng tôi đang ở một vị thế tốt để thực hiện phân tích và đưa ra quyết định đó."
Chủ tịch Powell khẳng định: “Chúng tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là Ngân hàng trung ương phải duy trì một hệ thống thanh toán và tiền tệ ổn định vì lợi ích của công chúng. Đó là mục tiêu trọng tâm của chúng tôi”. Theo ông Powell, Fed hiện đang tiếp tục theo đuổi sự đổi mới trong lĩnh vực thanh toán số, bao gồm việc ra mắt hệ thống FedNow dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023 cũng như việc xem xét tính khả thi của CBDC xem lợi ích vượt trội là gì và có tiềm ẩn rủi ro nào không.
Có nhiều quan ngại rằng nếu Fed không hành động nhanh chóng hơn, vị thế đồng USD với tư cách tiền tệ dự trữ toàn cầu có thể bị thách thức khi các ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang nhanh chóng triển khai việc thử nghiệm tiền kỹ thuật số.
Bên cạnh Trung Quốc, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng đang xem xét các dự án tiền tệ kỹ thuật số bởi hàng loạt triển vọng như thanh toán xuyên biên giới, thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt. BIS - nhóm tập hợp các Ngân hàng Trung ương nhiều quốc gia phát triển và một số quốc gia đang phát triển có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu - từng cho biết có tới 80% các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã bắt đầu hình thành các nghiên cứu tiềm năng cho dự án tiền tệ kỹ thuật số.

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)