Tuy nhiên, Goushi Kataoka - một thành viên mới của hội đồng quản trị BOJ - có thể đề xuất tăng cường kích cầu, sau khi bất đồng với quyết định giữ nguyên chính sách của BOJ tại cuộc họp tháng trước, đặt lại câu hỏi cho BOJ về việc quay lại với chương trình hỗ trợ tài chính khổng lồ của mình, các nhà phân tích cho biết.
Tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào thứ Ba, BOJ được dự kiến sẽ giữ nguyên cam kết giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu 10 năm khoảng 0%.
Tuy nhiên, trọng tâm chú ý của thị trường là liệu Kataoka có đề xuất mở rộng kích cầu hay không. Mặc dù bất kỳ đề xuất nào như vậy cũng có thể sẽ bị bỏ phiếu chống, song điều đó có thể phơi bày một sự bất trong Hội đồng quản trị bao gồm 9 thành viên của BOJ về định hướng tương lai của chính sách tiền tệ.
“Nếu Kataoka đề nghị tăng cường nới lỏng, đó sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc tranh luận trong tương lai về chính sách tiền tệ”, Yasunari Ueno, nhà kinh tế thị trường tại Mizuho Securities cho biết.
“Đề xuất này có thể đánh dấu bước khởi đầu cho việc chuyển đổi cuộc tranh luận bên trong và bên ngoài BOJ, từ chỗ tìm giải pháp thoát khỏi chính sách nới lỏng tới việc tăng cường kích cầu”, ông nói.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda có thể sẽ tổ chức cuộc họp báo vào lúc 3h30 chiều (06h30 GMT) để giải thích về quyết định chính sách của BOJ.
Các nguồn tin cho hay, trong bản cập nhật dự báo hàng quý của mình, BOJ được xem là hạ dự báo lạm phát cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2018 so với mức dự báo 1,1% đưa ra hồi tháng 7.
BOJ được dự kiến sẽ giữ nguyên dự báo lạm phát cho năm tài chính 2018 và 2019 lần lượt là 1,5% và 1,8%, cũng như giữ nguyên quan điểm của mình rằng lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% vào tháng 3/2020.
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2,5% trong quý 2 khi tiêu dùng và chi tiêu của doanh nghiệp tăng lên, và sự tăng trưởng ổn định có thể duy trì trong những quý tiếp theo.
Tuy nhiên, giá tiêu dùng lõi chỉ tăng 0,7% trong tháng 9 so với một năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của BOJ, khiến BOJ đang phải chịu áp lực duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dãi ngay cả khi các đồng nghiệp ở Mỹ và châu Âu bắt đầu thu hẹp lại chính sách kích cầu của họ.
Nguồn: Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn