Sáng 8/6, Quốc hội bước vào ngày thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 2014 và tình hình những tháng đầu năm 2015. Giống như những phiên thảo luận tại các kỳ họp trước, các đại biểu hầu hết đều mở đầu phát biểu bằng việc cơ bản tán thành báo cáo do Chính phủ trình tại phiên khai mạc.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, các mặt hàng mất giá, thủy sản liên tiếp gặp vấn đề trên thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã thâm hụt lớn, chủ yếu do sức cạnh tranh những mặt hàng chủ lực (nông sản, đồ gỗ, dệt may…) giảm trong bối cảnh tiền đồng lên giá so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia…

Ông cũng cho rằng các số liệu thống kê hiện nay cho thấy nhiều mặt hàng nông sản mất giá, mất thị trường: Gạo gặp phải những đối thủ như Campuchia, Lào, Bangladesh. Thủy sản khó khăn, vải thiều chật vật tìm đầu ra… Từ những nhức nhối đó, vị đại biểu này chất vấn: “Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua đã làm được gì?". Ông cho rằng đến nay, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu "cầu may", cạnh tranh bằng giá rẻ và luôn nớm nớp liệu có bị ép giá hay không.

“Tôi rất muốn nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có ai có thể trả lời câu hỏi làm sao để đưa nông sản Việt Nam vào các nước Nga, Kazakhstan, Belarus hay Hàn Quốc”, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng cho rằng, các giải pháp kinh tế được Chính phủ đề ra nhưng nặng yếu tố vĩ mô, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính thuyết phục.

"Vì sao tiêu thụ nông sản ế ẩm đến vậy, sản xuất nhiều nhưng khó thị trường tiêu thụ. Lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, rồi đến dưa hấu... Cần có những giải pháp như thế nào để tăng cường hàng xuất khẩu, hợp tác mạnh mẽ với những nước có công nghệ cao như Nhật, Isarel...  Tôi rất đau lòng khi nhìn tình trạng này kéo dài nhiều năm nay", ông Đương nói. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn nêu ra những khó khăn trên để Quốc hội phân tích, mổ xẻ.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc, đoàn Quảng Ngãi cho rằng tới đây, Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, lĩnh vực gặp khó khăn nhất chắc chắn vẫn là nông nghiệp, do trước đây vốn đã đạt hiệu quả thấp.

"Điệp khúc này đã tồn tại nhiều năm nhưng không có giải pháp khắc phục. Tới đây Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại thì hàng hóa càng khó cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực", ông Phúc nói. Do đó, đại biểu này cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản, phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá.

Tuy nhiên, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu đoàn Đắk Nông cho rằng, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp cụ thể vì nói chung chung đã quá nhiều rồi.

"Hiện nay tính tự phát của phát triển nông nghiệp và hậu quả người nông dân phải gánh chịu. Nói là cần một cuộc cách mạng trong nông nghiệp thì hơi quá nhưng rõ ràng đã đến lúc cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn", bà Hạnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây trên Biển Đông, các chính sách để tháo gỡ khó khăn trong tín dụng, sức khỏe doanh nghiệp... cũng là những vấn đề nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá theo những số liệu được công bố, kinh tế trong nước đã phục hồi đáng kể, môi trường đầu tư cải thiện. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại sự phục hồi này chưa thật sự bền vững. “Sự phục hồi hiện nay chủ yếu do uống thuốc khỏe”, vị này ví von.

Cụ thể, hiện nay khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng nhanh, song khu vực trong nước lại ốm yếu. Quý I/2015, số lượng doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn cùng kỳ năm 2014. Chất lượng xuất khẩu vẫn lạc hậu, chủ yếu là hàng nông nghiệp sơ chế, còn nhập khẩu chủ yếu là máy móc. “Cơ cấu như vậy chỉ phục vụ cho nền kinh tế thu động, khó tham gia chuỗi giá trị thế giới”, ông nhận xét.

“Các nỗ lực tái cơ cấu trong nước đang bị dồn nén, cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp..., nếu không có những giải pháp xử lý căn cơ thì đây có thể là hiểm họa khôn lường”, ông Đồng nhấn mạnh.

Là kỳ họp giữa năm, ưu tiên các nội dung về xây dựng pháp luật nên theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, thay vì khoảng 1,5 ngày như kỳ họp trước. Trong quá trình thảo luận, một số thành viên Chính phủ cũng sẽ tham gia giải trình thêm về một số vấn đề được dư luận quan tâm.

Nguồn: VnExpress