Cổ phiếu toàn cầu giảm trong tháng 6/2025 do căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Về cuối quý, thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng từ việc các nhà quản lý điều chỉnh danh mục đầu tư của họ.
Chỉ số MSCI cổ phiếu trên toàn cầu kết thúc phiên 30/6 tăng 3,88 điểm, hay 0,42%, lên 918,67, là phiên tăng thứ ba liên tiếp sau khi đạt mức kỷ lục trong ngày là 919,47.
Bất chấp việc giảm trong tháng 6/2025, chỉ số MSCI toàn cầu tăng trong quý II/2025, là quý tăng thứ hai liên tiếp, phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất vào tháng 4/2025 khi thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm chao đảo thị trường tài chính.
Kể từ đó, chỉ số này đã tăng trở lại, tính chung trong nửa đầu năm 2025 tăng hơn 7%.
Thị trường chứng khoán Mỹ
S&P 500 và Nasdaq đạt mức đóng cửa cao kỷ lục vào thứ Hai (30/6), khép lại quý tốt nhất trong hơn một năm khi các nhà đầu tư hy vọng về các thỏa thuận thương mại và khả năng Fed cắt giảm lãi suất.
Cả hai chỉ số đều kết thúc quý với mức tăng hai chữ số. S&P 500 tăng 10,57% trong quý II/2025, Nasdaq tăng 17,75% và Dow tăng 4,98%. Chỉ số Russell 2000 Small Cap tăng 8,28% trong quý II.
Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2025, cả 3 chỉ số đều có hiệu suất kém nhất kể từ năm 2022, vì sự không chắc chắn xung quanh chính sách thương mại khiến các nhà đầu tư trở nên cảnh giác, với căng thẳng lên đến đỉnh điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan rộng rãi vào ngày 2 tháng 4.Về cuối quý II/2025, các thỏa thuận thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Vương quốc Anh đã thúc đẩy sự lạc quan rằng cuộc xung đột thương mại toàn cầu toàn diện có thể không căng thẳng như lo ngại ban đầu. Nhà đầu tư bắt đầu hy vọng Mỹ sẽ đạt được nhiều thỏa thuận hơn trước thời hạn 9 tháng 7.
Canada đã dừng thuế dịch vụ kỹ thuật số nhắm vào các công ty công nghệ của Mỹ chỉ vài giờ trước khi có hiệu lực, trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Washington.
Thủ tướng Canada Mark Carney và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại trong nỗ lực thống nhất thỏa thuận trước ngày 21 tháng 7, gia hạn thời hạn ban đầu của ông Donald Trump là ngày 9 tháng 7 đối với thuế quan "có đi có lại".
Thời hạn ngày 9 tháng 7 vẫn áp dụng cho các quốc gia khác, mặc dù các quan chức Mỹ gợi ý rằng hầu hết các thỏa thuận có thể được thực hiện trước kỳ nghỉ Ngày Lao động ngày 1 tháng 9.
Tại Phố Wall, cổ phiếu Mỹ tăng nhẹ trong phiên 30/6, với S&P 500 và Nasdaq phiên giao dịch thứ hai liên tiếp đóng cửa ở mức kỷ lục, dẫn đầu là mức tăng khoảng 1% của cổ phiếu công nghệ, trong khi hàng tiêu dùng tùy ý là ngành hoạt động kém nhất trong số 11 ngành chính của S&P.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones phiên này tăng 275,50 điểm, hay 0,63%, lên 44.094,77, S&P 500 tăng 31,88 điểm, hay 0,52%, lên 6.204,95 và Nasdaq Composite tăng 96,28 điểm, hay 0,48%, lên 20.369,73.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi một loạt dữ liệu thị trường lao động trong tuần giao dịch ngắn này do kỳ nghỉ lễ, đỉnh điểm là báo cáo bảng lương của chính phủ vào thứ Năm (3/7). Báo cáo dự kiến sẽ được công bố sớm hơn một ngày, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có phiên giao dịch ngắn hơn vào thứ Năm và đóng cửa vào thứ Sáu (4/7) nhân ngày lễ Độc lập.
Một số quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, cho biết sức mạnh của thị trường lao động tạo cho ngân hàng trung ương dư địa để trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cho đến khi họ có thể hiểu rõ hơn về tác động của thuế quan của Trump đối với lạm phát.Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn chưa phải đối mặt với tác động đầy đủ của thuế quan thương mại của Tổng thống Donald Trump và cho biết ông vẫn dự đoán Fed sẽ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago Austan Goolsbee cho biết ông không thấy dấu hiệu nào của tình trạng đình lạm nhưng có khả năng cả tình trạng thất nghiệp và lạm phát đều trở nên xấu đi cùng lúc.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi tiến độ của một dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ của Mỹ đang dần được Thượng viện thông qua. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính dự luật này sẽ tăng thêm 3,3 nghìn tỷ USD vào nợ quốc gia trong một thập kỷ, thử thách nhu cầu của nước ngoài đối với trái phiếu kho bạc Mỹ.• Thị trường chứng khoán châu Âu: Giảm hơn 1% trong tháng 6/2025
Cổ phiếu châu Âu kết thúc phiên giao dịch 30/6 giảm trên diện rộng, giảm 0,4%, tính chung trong tháng 6/2025 giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi các dấu hiệu về bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ khi thời hạn áp thuế vào tháng 7 đang đến gần.
Mặc dù vậy, tính chung trong quý II, cổ phiếu châu Âu vẫn tăng, là quý thứ 2 liên tiếp tăng, mặc dù đã giảm hơn 1% vào tháng 6.• USD 6 tháng đầu năm giảm mạnh nhất kể từ đầu những năm 1970, xuống mức thấp nhất hơn 4 năm
• Đồng euro đạt mức cao nhất kể từ năm 2021 so với đồng bạc xanh
Đồng bạc xanh đã gặp khó khăn suốt từ đầu năm nay, một phần là do kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn vào năm tới. Đồng USD đã giảm 10,5% trong nửa đầu năm, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong sáu tháng đầu năm kể từ năm 1973, khi Mỹ chuyển sang tỷ giá hối đoái thả nổi.
Chỉ số USD, đo lường đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ bao gồm đồng yên và đồng euro, đã giảm 0,35% xuống còn 96,86 trong phiên 30/6, tính chung trong tháng 6 cũng giảm, là tháng giảm thứ 6 liên tiếp. Đây được coi là nửa năm tồi tệ nhất kể từ những năm 1970 của đồng bạc xanh.
"Nó giống như trò chơi đổi ghế, cho dù đó là 'hóa đơn lớn đẹp đẽ', các thỏa thuận thương mại, rồi đến xung đột Iran-Israel. Tất cả đều giống như việc thay phiên nhau trở thành trung tâm; khi một thứ trôi qua và thứ khác được tập trung vào", Epstein nói.
Đồng USD đã chạm mức thấp nhất trong gần bốn năm so với đồng euro trong phiên 30/6 trong bối cảnh lo ngại về thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ gia tăng và sự không chắc chắn xung quanh các thỏa thuận thương mại của Mỹ với các nền kinh tế lớn khác.
Đồng USD phiên này giảm 0,63% xuống 0,79355 so với đồng franc Thụy Sỹ, tính chung cả tháng giảm 3,60%. Đồng bạc xanh đã mất khoảng 12,5% so với đồng franc Thụy Sỹ trong năm nay.
Đồng euro đạt mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 9 năm 2021 ở mức 1,1780 USD. Kết thúc phiên 30/6, euro tăng 0,45% so với USD, tính chung tháng 6 tăng khoảng 3,8%. Đồng tiền chung đã tăng khoảng 14% so với đồng USD trong năm nay.
"Thị trường dồn sự chú ý vào dự luật lớn, rất lớn và liệu dự luật đó có được chấp thuận hay không", Amo Sahota, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn FX Klarity FX tại San Francisco cho biết. "Đồng USD đang có xu hướng suy yếu. Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm và những đồng tiền chiến thắng lớn là đồng krona Thụy Điển, đồng franc Thụy Sĩ và đồng euro. Đồng euro đã thay đổi vận may sau khi khu vực đồng euro công bố một dự luật chi tiêu khổng lồ."
Theo Bloomberg News đưa tin vào thứ Hai, EU sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ, theo đó sẽ áp dụng mức thuế chung 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của mình.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết các quốc gia vẫn có thể phải đối mặt với mức thuế quan tăng mạnh vào ngày 9 tháng 7 ngay cả khi họ đang đàm phán một cách thiện chí, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ sự gia hạn tiềm năng nào cũng sẽ tùy thuộc vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuần trước, Bessent cho biết Mỹ và Trung Quốc đã giải quyết các vấn đề xung quanh các lô hàng khoáng sản đất hiếm và nam châm của Trung Quốc sang Mỹ, qua đó tiếp tục sửa đổi một thỏa thuận vào tháng 5 tại Geneva.
Đồng USD đã giảm 0,36% xuống còn 144,45 so với đồng yên Nhật, tính chung tháng 6/2025 gần như đi ngang.
Đôla Canada tăng so với đồng tiền Mỹ trong phiên giao dịch 30/6, tính chung cả tháng cũng tăng, là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. CAD= đã tăng 0,41% so với đồng bạc xanh lên 1,353 USD Canada đổi một USD trong phiên 30/6.
Đồng krona Thụy Điển tăng 0,48% so với đồng USD lên 9,462. Đồng bảng Anh tăng 0,04% lên 1,3719 USD. Đồng tiền này đã tăng 2% trong tháng 6.• Những chủ đề đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm
Như đã diễn ra trong nhiều tháng, tin tức thương mại tiếp tục là chủ đề chính của thị trường. Mỹ cho biết sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Canada sau khi Ottawa dừng kế hoạch bắt đầu thu thuế dịch vụ kỹ thuật số mới nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ chỉ vài giờ trước khi bắt đầu.
Trọng tâm chú ý của thị trường cũng hướng đến thời hạn chót là ngày 9 tháng 7, thời điểm kết thúc lệnh tạm dừng nhiều mức thuế thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một chủ đề khác là đồng USD, đồng tiền đã giảm giá từ đầu năm đến nay. Đồng bạc xanh đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp giảm giá so với một rổ các loại tiền tệ chính và đồng euro đạt mức cao nhất so với đồng USD trong gần bốn năm.
Một chủ đề khác trong nửa đầu năm có khả năng sẽ không sớm biến mất. Đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép buộc chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hạ lãi suất..
Ở một mức độ nào đó, áp lực có thể đang lan sang thị trường. Fed Futures cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ Fed có gần ba lần cắt giảm trong năm nay, nhiều hơn so với vài tuần trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc tiếp tục giảm gần đây, với lợi suất chuẩn 10 năm vào khoảng 4,23%.
Các nhà đầu tư cũng đang chuyển sự chú ý sang dữ liệu kinh tế trong tuần lễ giao dịch bị rút ngắn do kỳ nghỉ lễ, với báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters