Sau hai tháng giảm mạnh vì những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, vốn FDI đổ vào Việt Nam đã bật tăng trở lại trong các tháng 9 và 10/2021. Mặc dù chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ song đây là tín hiệu tích cực cho niềm tin của khu vực doanh nghiệp FDI đã quay trở lại sau giai đoạn gián đoạn vì đại dịch.
NIỀM TIN QUAY TRỞ LẠI
Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Á – Âu tại Việt Nam 2021 được tổ chức cuối tuần trước, đại diện Tập đoàn LG cho biết 2 năm qua là thời gian khó khăn với cả Việt Nam cũng như các nước trên thế giới do dịch Covid-19 bùng nổ.
“Tại Việt Nam, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và hoạt động vì tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục mở rộng đầu tư vì chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm ổn định tình hình và quay lại trở lại trạng thái bình thường mới”, Tập đoàn LG cho biết.
Không chỉ LG mà các doanh nghiệp FDI khác cũng tin tưởng về triển vọng vượt qua khủng hoảng về bệnh dịch và không để lại hậu quả nặng nề về kinh tế của Việt Nam. Trong đó, cơ sở quan trọng nhất đó là Việt Nam đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng vaccine thay vì phong tỏa diện rộng để tránh đình trệ sản xuất, làm đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng cũng như tránh để mất đi cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Số liệu thu hút FDI được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy niềm tin của khu vực doanh nghiệp FDI dường như đã quay trở lại. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 10 tháng đầu năm theo hình thức đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù đây là chỉ là mức điều chỉnh nhẹ so với cùng kỳ nhưng xu thế tăng tiếp tục được duy trì khi vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh bật tăng từ giữa tháng 9/2021.
Trong số 23,74 tỷ USD vốn FDI thu hút trong 10 tháng, có 1.375 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ); 776 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD (tăng 24,2%) và 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 3,63 tỷ USD (giảm 40,6%).

Thu hút FDI tăng, niềm tin nhà đầu tư quay trở lại - Ảnh 1

Mặc dù phần vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tiếp tục giảm sâu nhưng đà tăng mạnh của hai cấu phần vốn đăng ký mới và điều chỉnh của nhà đầu tư ngoại bật tăng mạnh đã bù đắp sự suy giảm của phần vốn góp.
KỲ VỌNG VÀO TRIỂN VỌNG DÀI HẠN
Theo nhiều chuyên gia, sự đứt gãy của dòng vốn FDI giai đoạn vừa qua chỉ là tạm thời do những ảnh hưởng của dịch bệnh. Về trung và dài hạn, nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do.
Cụ thể, theo bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt (năm 2020 là 2,9%) khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là vững chắc.
Bất chấp những thách thức trong quý 3/2021, khi nhìn vào dòng vốn FDI trong tháng 9 và tháng 10/2021, cam kết của các nhà đầu tư vẫn tăng lên. Tổng vốn FDI cam kết 10 tháng tăng 1,1% so với cùng kỳ; trước đó, 9 tháng, vốn FDI cam kết cũng tăng hơn 4,4%. “Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế vẫn kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, chuyên gia WB nhận xét.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp luôn nghiên cứu rất kỹ, để xây dựng các cơ sở kinh doanh, nhà máy… không nhìn vào những diễn biến ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp FDI nhận định, Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, do đó, trong dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Thu hút FDI tăng, niềm tin nhà đầu tư quay trở lại - Ảnh 2

Mặc dù, tình hình dịch bệnh do các biến chủng mới với mức độ lây lan cao hơn dự đoán đã gây lúng túng nhất định trong quá trình điều hành, song theo nhận định của ADB, ở cấp độ cao nhất là Chính phủ, các nhà đầu tư nhận thấy cam kết mạnh mẽ về việc vượt qua đại dịch đi đôi với bảo vệ doanh nghiệp và nền kinh tế.
VẤN ĐỀ Ở THỰC THI
Mặc dù Nghị quyết 128 hướng tới “bình thường mới” được ban hành đã tạo ra "làn gió mới" cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp nhưng ở khâu thực hiện ở các địa phương, vẫn có nơi chưa được nhuần nhuyễn khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do các biện pháp giãn cách chống dịch.
Mới đây, 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thư “cầu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. “Chúng tôi cần những giải pháp từ Chính phủ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng ngàn tỷ đồng giá trị nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng”, kiến nghị được 19 doanh nghiệp nêu ra.
Khi Nghị quyết 128/2021/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành ngày 12/10/2021, nhiều doanh nghiệp đã cảm thấy rất vui mừng. Nhưng Tiền Giang vẫn lấy mô hình “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, khiến doanh nghiệp, người lao động rất khổ sở…
Vì vậy, đại diện của ADB cho rằng dù ủng hộ quan điểm chống dịch nhưng vẫn bảo đảm duy trì phát triển kinh tế của Chính phủ. Trong điều kiện cho phép, cần thực hiện phong toả có mục tiêu để giảm thiệt hại kinh tế.
“Trong trường hợp chính quyền địa phương triển khai, áp dụng các sáng kiến về “tại chỗ”, hay “cung đường, điểm đến” cần tham vấn ý kiến của doanh nghiệp để sát hơn với thực tiễn, tránh gánh nặng thủ tục chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Vị chuyên gia đến từ ADB cho rằng không chỉ Việt Nam mà tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thậm chí nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các doanh nghiệp FDI, những tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở các quốc gia khác nhau cũng không lạ lẫm gì với tình huống khó khăn này. Do đó, điểm mấu chốt ở đây không hẳn chỉ là dịch bệnh mà cách Chính phủ ứng phó với dịch bệnh có hiệu quả không.
Cùng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định: "Dù Việt Nam vẫn là nơi được các nhà đầu tư trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển nhưng mọi thứ diễn biến ra sao phụ thuộc vào hành động của Chính phủ".

Nguồn: vneconomy.vn