Theo khảo sát được thực hiện từ ngày 15–24/4 với 54 chuyên gia kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới dự kiến sẽ tăng trung bình 6,3% trong năm tài khóa này. Con số này ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của năm tài khóa vừa kết thúc, nhưng thấp hơn mức dự báo 6,5% trong khảo sát tháng 3/2025 và chỉ nhỉnh hơn một chút so với dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 6,2%. Tuy vậy, đây vẫn là một mức sụt giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 9,2% của năm tài khóa 2023–2024.
Các chuyên gia cảnh báo đằng sau những chỉ số tăng trưởng tích cực là một nền kinh tế không tạo ra đủ việc làm có thu nhập cao cho hàng triệu lao động trẻ gia nhập thị trường mỗi năm.
Mặc dù chính phủ đã tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn trì trệ trong suốt thập kỷ qua, khiến tốc độ tăng trưởng thực tế thấp hơn tiềm năng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, kế hoạch áp thuế nhập khẩu 26% đối với hàng hóa từ Ấn Độ mà Mỹ đang tạm hoãn trong vòng 90 ngày, cũng khiến tình hình thêm phức tạp, dù phần lớn xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ là dịch vụ.
“Tầng lớp trung lưu Ấn Độ đang gặp khó. Doanh số bán nhà, xe hơi và xe hai bánh đều sụt giảm. Các chính sách trong nước cần tập trung vào nguyên nhân cốt lõi,” ông Kunal Kundu, chuyên gia kinh tế tại Societe Generale, nhận định.
Ông Kundu cho rằng Ấn Độ cần một “khoảnh khắc 1991”, ám chỉ cuộc cải cách lớn dưới thời cựu Thủ tướng Manmohan Singh khi còn là Bộ trưởng Tài chính, nhằm mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy cạnh tranh.
“Xung đột thuế quan hiện nay chính là cơ hội để Ấn Độ bắt đầu hành trình cải cách cần thiết này. Nếu không, dù là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong bối cảnh toàn cầu chững lại, Ấn Độ sẽ khó đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển.”
Khi được hỏi về tác động của thuế quan Mỹ đối với niềm tin kinh doanh tại Ấn Độ, 60% chuyên gia (21/35 người) đánh giá là tiêu cực hoặc rất tiêu cực, trong khi 14 người nhận định là trung lập.
“Niềm tin kinh doanh đã bị ảnh hưởng rõ rệt, bởi không doanh nghiệp nào muốn ra quyết định trong môi trường bất định và biến động như hiện nay. Và đầu tư là lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất,” bà Kanika Pasricha, Cố vấn kinh tế trưởng tại Ngân hàng Union Bank of India, chia sẻ.
“Ngay cả các lĩnh vực từng sẵn sàng đầu tư như năng lượng tái tạo, lọc hóa dầu, thép và xi măng cũng có khả năng trì hoãn hoặc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn”, bà Pasricha cho biết thêm.
Trong bối cảnh lo ngại suy thoái tại Mỹ gia tăng và lạm phát tiêu dùng tại Ấn Độ liên tục ở dưới ngưỡng mục tiêu trung hạn 4% trong hai tháng qua, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ giảm lãi suất nhẹ ở mức 5,50% vào tháng 8/2025, thấp hơn 0,25 điểm phần trăm so với khảo sát trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng RBI sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp vào tháng 6/2025, đưa mức lãi suất xuống 5,75%.
“Việc lạm phát giảm bất ngờ đã tạo thêm dư địa để chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng,” ông Dhiraj Nim, chuyên gia kinh tế tại ANZ, bình luận.
Lạm phát tiêu dùng tại Ấn Độ được dự báo sẽ đạt trung bình 4,0% trong năm tài khóa hiện tại, và tăng lên 4,3% trong năm tiếp theo.