Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất vừa ký hợp đồng tư vấn, chuẩn bị cho việc mở rộng, nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 1,8 tỉ USD. Vì sao phải mở rộng nhà máy trong bối cảnh hiện nay?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoài Giang - chủ tịch Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý NMLD Dung Quất) - giải thích:

- Việc mở rộng nhà máy là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo nhà máy hiệu quả hơn. Đây là việc không phải riêng NMLD Dung Quất làm mà tất cả NMLD trên thế giới từng làm cách đây vài chục năm, kể cả ở Nga, Mỹ, Nhật Bản.

Sau khi xây dựng xong nhà máy, khoảng 5-10 năm sau họ bắt buộc phải nâng cấp, mở rộng nhà máy để tối ưu hơn. Bước 1 luôn là xây một nhà máy cơ sở, sau đó vận hành sẽ đánh giá từ đó có bước 2, nâng cấp, mở rộng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tình hình các NMLD, các mỏ dầu, việc tiêu thụ và giá xăng dầu đã thay đổi nên chúng ta phải tính toán lại, nâng cấp, tối ưu hóa để nâng cao hiệu quả.

Ưu đãi không phải chỉ có ở NMLD Dung Quất. Tất cả NMLD trên thế giới cũng được ưu đãi. Thậm chí ở NMLD Nghi Sơn, VN chỉ có 25% vốn, ưu đãi họ nhận được còn lớn hơn cả ưu đãi Dung Quất đang được hưởng

* Theo hợp đồng tư vấn, việc mở rộng quy mô nhà máy lần này sẽ giúp NMLD chế biến được các loại dầu thô thông dụng trên thế giới, thay vì chỉ có thể lọc 100% dầu từ mỏ Bạch Hổ như hiện nay. Theo ông, điều này có giúp giảm giá thành xăng dầu từ Dung Quất?


- Chắc chắn. Vì dầu thô từ mỏ Bạch Hổ của VN là loại dầu thô thuộc dạng đắt nhất thế giới. Nó nhẹ, ngọt, không có lưu huỳnh, chỉ cần xử lý một chút là có thể dùng được ngay. Dầu chua Trung Đông phải xử lý nhiều hơn. Trước đây cũng có ý kiến sao ngay từ đầu NMLD Dung Quất không đầu tư để có thể lọc các loại dầu thô khác?

Tuy nhiên điều này liên quan đến số vốn đầu tư sẽ rất lớn, dự kiến khoảng 5 tỉ USD. Trong hoàn cảnh lúc đó đất nước không lấy đâu ra, chỉ có 2 tỉ USD. Vì vậy chỉ có thể đầu tư một nhà máy như Dung Quất hiện nay.

* Nhiều người kỳ vọng NMLD Dung Quất khi đi vào hoạt động do sản xuất nội địa sẽ cân đối để điều hòa giảm giá xăng dầu trong nước. Nhưng đến nay giá xăng dầu vẫn chủ yếu dựa vào giá thế giới?

- Chúng tôi chưa bao giờ phát biểu làm NMLD Dung Quất sẽ giúp giảm giá xăng dầu trong nước. Cũng như tất cả NMLD trên thế giới được xây dựng không phải để giảm giá xăng dầu của các nước đó. NMLD Dung Quất được đầu tư để tự VN có thể sản xuất ra xăng dầu, trong trường hợp có biến động kinh tế - chính trị - xã hội trên thế giới, các nước xung quanh không cung cấp cho ta thì tự VN vẫn đảm bảo được xăng dầu.

* Vừa qua NMLD Dung Quất có văn bản cho biết nếu không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho Dung Quất thì nhà máy có nguy cơ lỗ, dừng sản xuất? Việc mở rộng sẽ giúp nhà máy hiệu quả hơn thế nào?

- Hiện nay, sản phẩm dầu diesel từ các nước xung quanh nhập khẩu vào VN thuế chỉ có 5%, còn NMLD Dung Quất dù sản xuất trong nước nhưng phải nộp thuế nhập khẩu 10%.

Năm sau, thuế nhập khẩu từ các nước lân cận giảm xuống 0%, nếu chúng tôi vẫn chịu mức thuế 10% thì làm sao cạnh tranh được? Do vậy, đây là bài toán đương nhiên chúng tôi phải có kiến nghị để điều tiết thuế ngang với các nước. Đó là kiến nghị chính đáng.

* Nhưng hiện xăng dầu từ Dung Quất đang được hưởng ưu đãi, được giữ lại 3-7% thuế nhập khẩu? Sản xuất trong nước không giúp giảm được giá thành?

- Không nên đặt vấn đề giảm giá thành. Việc xây dựng NMLD Dung Quất và các NMLD trong tương lai là để đảm bảo an ninh năng lượng, để xây dựng xương sống ngành công nghiệp trong nước.

Từ ngành công nghiệp hóa dầu sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, hóa chất... để phát triển các ngành sản xuất công nghiệp nói chung. Mục đích không phải giảm giá xăng dầu. Nếu giá trong nước rẻ hơn sẽ có xuất lậu ngay.

Thêm hơn 1,8 tỉ USD đổ vào Dung Quất

Ngày 28-8, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn đã chính thức ký kết hợp đồng tư vấn lập thiết kế tổng thể dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.

Theo hợp đồng, NMLD Dung Quất hiện tại được thiết kế để chỉ có thể lọc 100% dầu thô Bạch Hổ, sau khi nâng cấp sẽ chế biến được các loại dầu thô thông dụng trên thế giới, công suất nhà máy hiện tại chế biến được 6,5 triệu tấn dầu thô/năm sẽ được nâng lên 8,5 triệu tấn/năm. Sản phẩm xăng dầu sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn EURO 5 của châu Âu...

Tổng vốn đầu tư để nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất lên tới 1,813 tỉ USD. Nguồn vốn phía Tập đoàn Dầu khí VN và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ tự lo 30%, còn lại 70% sẽ phải đi vay các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

 


Theo CẦM VĂN KÌNH
Tuổi trẻ

Nguồn: Tuổi trẻ