Tăng hơn 65 tỷ USD
Riêng trong tháng 11, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 30,61 tỷ USD, tăng 17,1% (tương ứng tăng 4,47 tỷ USD) so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên kim ngạch nhập khẩu Việt Nam trong 1 tháng đạt mốc từ 30 tỷ USD trở lên.
Với kết quả trên, 11 tháng qua kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 300,27 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên đến 27,9%, tương ứng kim ngạch tăng thêm 65,49 tỷ USD.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc, Hàn Quốc, khu vực ASEAN, Nhật Bản, Mỹ, EU là những đối tác lớn nhất.
Đáng chú ý, riêng thị trường Trung Quốc đạt 99,4 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 33,1% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Không chỉ lớn về quy mô, số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng rất đa dạng từ máy móc, thiết bị đến nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hay hàng hóa tiêu dùng, hàng nông sản…
Trong đó, những nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; điện thoại; vải may mặc và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép… Trung Quốc hầu như chiếm vị trí số 1.
Ngoài Trung Quốc, 3 thị trường nhập khẩu lớn tiếp theo đều nằm ở châu Á gồm: Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản.
Trong đó, Hàn Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 16,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Kết quả này với ASEAN là: 37,17 tỷ USD, tăng 36,8%, chiếm 12,4%; Nhật Bản là: 20,29 tỷ USD, tăng 10,2%, chiếm 6,8%.
Tính chung kim ngạch nhập khẩu từ châu Á lên đến 244,52 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 81,4% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Ngoài châu Á, 11 tháng qua Việt Nam chi 15,34 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ EU và 14,13 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Nhìn chung các thị trường nhập khẩu của Việt Nam đều có mức tăng trưởng hai con số.
6 nhóm hàng “chục tỷ USD”
Hết tháng 11, cả nước có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch lên tới 68,14 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020.
11 tháng qua, nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc đạt 19,73 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc với 18,25 tỷ USD, tăng 17,9%; thị trường Đài Loan đạt 8,79 tỷ USD, tăng 26,1%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng thứ hai với 42,3 tỷ USD, tăng 27,8% tương ứng tăng 9,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc cũng dẫn đầu thị phần với kim ngạch đạt 22,81 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc với 5,59 tỷ USD, tăng 3,7%; Nhật Bản với 4,02 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1%...
Điện thoại các loại và linh kiện đứng thứ ba với 19,16 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với 17,81 tỷ USD, chiếm 93% tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này.
Trong đó, từ Hàn Quốc là 9,55 tỷ USD, tăng 45%; Trung Quốc là 8,26 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
3 nhóm hàng nhập khẩu “chục tỷ USD” còn lại là vải với 12,95 tỷ USD, tăng 21,7%; chất dẻo nguyên liệu với 6,35 triệu tấn, kim ngạch 10,58 tỷ USD, chỉ tăng 6,4% về lượng nhưng tăng đến 41,5% về kim ngạch; sắt thép đạt 11,4 triệu tấn, kim ngạch 10,5 tỷ USD, dù giảm 6,8% về lượng nhưng tăng đến 43% về kim ngạch.
Thông tin đáng chú ý khác là, hết tháng 11 có 3 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng trưởng lên đến 3 con số. Đó là, hạt điều với kim ngạch hơn 4 tỷ USD, tăng 151,9%; quặng và khoáng sản 3,64 tỷ USD, tăng 119,2%; cao su đạt 2,59 tỷ USD, tăng 110,6%.
Hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt con số kỷ lục 602 tỷ USD, tăng 22,9% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 112,25 tỷ USD. Trong đó cán cân thương mại của nước ta thặng dư 1,46 tỷ USD.