ECB đã cắt giảm lãi suất năm lần kể từ tháng 6/2024 khi lo ngại về tăng trưởng bắt đầu vượt qua lo ngại về giá cả. Các nhà đầu tư dự báo sẽ có ít nhất ba đợt giảm lãi suất nữa trong năm nay nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang vật lộn để phục hồi sau hai năm gần như trì trệ.
"Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng vẫn còn dư địa để điều chỉnh lãi suất xuống thấp hơn. Chúng tôi gần đạt mục tiêu và vẫn đang nằm trong vùng an toàn”, ông Cipollone nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters.
Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao cùng với căng thẳng thương mại toàn cầu đang khiến ECB rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khiến ngân hàng này chưa thể cam kết về bất kỳ động thái cụ thể nào, bao gồm cả đợt cắt giảm lãi suất được dự đoán sẽ xảy ra vào tháng 3/2025, ông Cipollone cho biết.
Dù vậy, nền kinh tế khu vực đồng Euro về cơ bản không thay đổi kể từ tháng 12/2025, khi ECB dự kiến sẽ có bốn đợt giảm lãi suất trong năm 2025, trong đó một lần đã được thực hiện vào tháng 01/2025.
Lạm phát đã nhích lên 2,5% vào tháng trước, nhưng ECB dự báo sẽ trở lại mức 2% vào mùa hè năm nay sau bốn năm liên tục vượt mục tiêu.

Ông Cipollone cảnh báo rằng chính sách thương mại của Mỹ là biến số lớn và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Châu Âu ngay cả trước khi có bất kỳ rào cản thương mại trực tiếp nào được áp dụng với khu vực này.
"Điều khiến tôi lo ngại hơn là liệu Tổng thống Trump phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc hay không. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng hơn vì Trung Quốc chiếm 35% năng lực sản xuất toàn cầu", ông nhấn mạnh.
Mỹ đã áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh.
Việc bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ sẽ buộc Trung Quốc tìm kiếm các thị trường thay thế, có thể dẫn đến tình trạng Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu, tác động tới tăng trưởng và giá cả tại khu vực này, ông Cipollone phân tích.
Theo mô hình của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) – một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, mặc dù các biện pháp thuế quan sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Mỹ, nhưng mức độ thiệt hại đối với các nước bị nhắm đến sẽ còn lớn hơn.
Tuy nhiên, ông Cipollone có vẻ xem nhẹ khả năng thuế quan nhắm trực tiếp vào Châu Âu.
Ông cho rằng các doanh nghiệp có thể chấp nhận giảm biên lợi nhuận để bù đắp một phần chi phí gia tăng, trong khi đồng Euro suy yếu so với đồng USD cũng sẽ giúp khối EU giảm bớt tác động tiêu cực.
Căng thẳng thương mại có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế nhưng chưa đủ để gây suy thoái, đặc biệt khi các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang cho thấy khả năng phục hồi.
Ông Cipollone lưu ý rằng thị trường lao động vẫn ổn định, tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc, ngành xây dựng tăng trưởng mạnh, chính sách giảm lãi suất đang phát huy tác dụng và ngay cả ngành công nghiệp – vốn suy thoái trong hai năm qua – cũng đang có dấu hiệu chạm đáy.
"Chúng ta có thể không tăng trưởng bùng nổ, nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng sẽ có suy thoái," ông nói.
Dù căng thẳng thương mại có thể tác động đến lạm phát, các yếu tố khác, đặc biệt là chi phí năng lượng, lại đẩy giá cả lên cao. Do đó, rủi ro đối với triển vọng kinh tế vẫn đang cân bằng, ngay cả khi một số nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng ECB có thể không đạt được mục tiêu lạm phát của mình.