Đe dọa môi trường, sức khỏe

Đầu tháng 7, tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) đã xảy ra 3 lần sự cố kỹ thuật dẫn đến hiện tượng tro bụi phát tán theo khói thải ra môi trường gây bức xúc cho người dân. Với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, sự cố sau đó đã được khắc phục.

Sự cố tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ là một trong số những tác động của nhiệt điện than tới môi trường.

Mới đây, những con số do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) công bố tại hội thảo “Cơ hội và thách thức phát triển nguồn điện ở Đồng bằng sông Cửu Long” đang khiến dư luận lo ngại về các nhà máy nhiệt điện than.

Số liệu được Green ID công bố cho thấy, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro xỉ khồng lồ, ước khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ năm 2030. Đó là một vấn nạn môi trường.

Với lượng tro xỉ lên tới hơn 19 triệu tấn/năm vào năm 2030, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tỏ ra lo lắng vì việc tìm giải pháp hữu hiệu để xử lý một khối lượng lớn tro xỉ than đang là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách.

Không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Số liệu Green ID đưa ra, PM2,5 (những hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet) từ những nhà máy điện than đã làm cho 3,2 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu trong năm 2010, trong đó, Trung Quốc có 1.230.000 người mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi, bệnh tim, Việt Nam cũng có đến 31.000 người mắc bệnh do PM2,5. Dự báo, mỗi năm, những nhà máy nhiệt điện than ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm giảm tuổi thọ khoảng 8.000 người do ảnh hưởng bụi.

Chưa thể thay thế

Những con số nêu trên cho thấy, sức ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện sẽ càng lớn hơn trong tương lai khi Việt Nam vẫn ưu tiên phát triển loại hình này. Trong tổng sơ đồ điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiệt điện than được quy hoạch ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn. Cụ thể, nhiệt điện than sẽ có tổng công suất là 36.000MW vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 46,8% và sẽ tăng lên 75.000MW vào năm 2030, với tỷ trọng 56,4%.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam vẫn lựa chọn nhiệt điện than là “cứu cánh” cho việc đảm bảo năng lượng? Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: “Trong khi các nước trên thế giới hạn chế không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than thì Việt Nam vẫn ưu tiên phát triển do trong cân bằng năng lượng Việt Nam chưa có gì thay thế được”.

Theo ông Ngãi, vấn đề lo ngại với những nhà máy nhiệt điện than không phải nằm ở việc gây ô nhiễm môi trường bởi các nhà máy nhiệt điện than nếu không được áp dụng công nghệ lò hơi mới để lọc khí thải NOx, SOx, COx thì cũng đã được trang bị các thiết bị ngoài để lọc các loại khí độc hại này. Do đó, lo ngại ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện chạy than gây ra không phải là vấn đề lớn. Điều đáng ngại nhất là đầu vào cho các nhà máy, tức là nguồn than.

Trên thực tế, nguồn than của Việt Nam không nhiều, than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chỉ khoảng 40 triệu tấn, trong đó có 25 triệu tấn dùng cho ngành điện. Hiện việc khai thác than cũng vô cùng khó khăn khi lượng than lộ thiên đã gần hết. Trong khi đó, tính đến năm 2022-2023, Việt Nam sẽ có 43 nhà máy nhiệt điện than, tiêu thụ khoảng 110 triệu tấn than. Do vậy, Việt Nam sẽ phải NK một lượng than khá lớn. Tuy nhiên, nguồn than nhập ở đâu đến nay vẫn còn là bài toán… chưa có lời giải. “Vinacomin đã cử cán bộ đi khắp Indonesia, Trung Quốc, Australia… nhưng không có nước nào đảm bảo cung cấp nhiều than như vậy”, ông Ngãi cho hay.

Với khó khăn này, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị đẩy mạnh các dự án điện gió, năng lượng mặt trời, sinh khối bù đắp nhiệt điện than và điện nguyên tử bởi theo các chuyên gia và nhà đầu tư, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, năng lượng mặt trời.

Đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện sau mưa lũ

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than -  Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đợt mưa lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các đơn vị tại Hạ Long và Cẩm Phả. Một số đơn vị có thể phải dừng lâu dài như: Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Hòn Gai, Hà Tu. Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vinacomin phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các nhà máy điện liên quan của Vinacomin và của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) rà soát lại vấn đề cung ứng than để bảo đảm nguồn than cho các nhà máy điện hoạt động đầy đủ.

Trên cơ sở dự trữ than hiện có của các nhà máy điện, các nguồn khác nhau của Vinacomin từ những vùng chưa bị lũ, những vùng đang dự trữ và đồng thời kết hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia của EVN để cân đối việc huy động các nhà máy một cách phù hợp, từ các nguồn nhiệt điện chạy than, chạy khí và từ các nguồn thủy điện khác nhau. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, sẽ đảm bảo nguồn than trong mọi tình huống, kể cả mưa lớn kéo dài, nhằm duy trì hoạt động của các nhà máy điện và cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia.

 
Theo Diệp Anh
Báo Hải quan

 

Nguồn: Báo Hải Quan