Chốt phiên giao dịch cuối ngày 17/6 trên thị trường chứng khoán có biến động nhẹ nhưng trái chiều, Dow Jones và S&P 500 giảm, Nasdaq tăng.
Cụ thể: Dow Jones giảm 210,22 điểm, tương đương 0,62%, xuống 33.823,45 điểm.
S&P 500 giảm 1,84 điểm, tương đương 0,04%, xuống 4.221,86 điểm.
Nasdaq tăng 121,67 điểm, tương đương 0,87%, lên 14.161,35 điểm.
Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của S&P 500, thứ 4 liên tiếp đối với Dow Jones. Nasdaq hiện thấp hơn 13 điểm so với đỉnh lịch sử lập hôm 14/6.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang đánh giá thông điệp cứng rắn bất ngờ từ Fed về chính sách tiền tệ hôm 16/6. Fed dự định tăng lãi suất lần đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023.
Fed cân nhắc tăng lãi suất từ năm 2023, điều chỉnh lạm phát kỳ vọng
Giới chức Fed viện dẫn triển vọng kinh tế cải thiện, Mỹ phục hồi nhanh từ đại dịch, dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 7%. Dù không thay đổi các biện pháp hỗ trợ, như chương trình mua trái phiếu hàng tháng, tín hiệu tăng lãi suất của Fed phản ánh lo ngại liên quan lạm phát.
“Tôi nghĩ có một kịch bản mọi người đã nghĩ đến, đó là Fed sẽ cho phép lạm phát tăng cao hơn và duy trì dài hơn. Tôi nghĩ với biểu đồ dot plot hôm qua… mọi người phải đánh giá lại kịch bản này”, David Lefkowitz, trưởng bộ phận chứng khoán Mỹ tại UBS Global Wealth Management, nói.
Cổ phiếu công nghệ, thường tăng tốt khi lãi suất thấp, là động lực cho đợt tăng của Phố Wall từ năm ngoái. Nhà đầu tư ngày 17/6 quay lại với lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Nvidia tăng giá 4,8%, lập đỉnh lịch sử phiên thứ 4 liên tiếp sau khi được Jefferies nâng giá mục tiêu. Cổ phiếu Apple, Amazon, Microsoft và Facebook tăng 1,3 – 2,2%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 17/6 là 11,77 tỷ cổ phiếu, cao hơn trung bình 10,67 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 – 16/6, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 - 0,25% như dự đoán trên thị trường.
Fed giảm lãi suất về 0 - 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ.
Ngoài ra, Fed nâng dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm nay lên 7% từ mức 6,5% trước đó, tăng trưởng năm 2022 và 2023 lần lượt là 3,3% (không đổi) và 2,4% (trước đó là 2,2%). Tỷ lệ thất nghiệp ước tính vẫn là 4,5%.
Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ ám chỉ có thể tăng lãi suất sớm nhất vào năm 2023. Biểu đồ “dot plot” – gồm các dấu chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên FOMC về lãi suất tại một thời điểm nào đó – cho thấy 11 trong số 18 quan chức Fed cảm thấy cần tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm ít nhất hai lần trong năm 2023. Hồi tháng 3, Fed nhận định không tăng lãi suất ít nhất cho đến năm 2024.
Viện dẫn tình hình y tế cải thiện và vai trò của tiêm chủng trong hạn chế đà lây lan của Covid-19, thông báo sau cuộc họp của Fed còn dừng nhắc đến việc đại dịch là lực cản tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Thị trường phản ứng tiêu cực với Phố Wall giảm còn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng bởi nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt chính sách hơn, trong đó có thể giảm quy mô mua trái phiếu ngay từ trong năm nay.
"Nếu Fed định tăng lãi suất hai lần trong năm 2023, họ sẽ phải bắt đầu giảm quy mô nới lỏng định lượng khá sớm", Kathy Jones, trưởng bộ phận thu nhập cố định tại Charles Schwab, nhận định. "Có thể phải mất 10 tháng đến 1 năm để thu hẹp với tốc độ vừa phải. Do đó, họ cần xem xét khả năng bắt đầu giảm quy mô từ cuối năm nay, và nếu nền kinh tế quá nóng, tăng lãi suất sớm còn hơn muộn".

Nguồn: VITIC/Reuters