Thiếu những bước đi cụ thể
Sau một ngày đầy ắp các cuộc gặp song phương, phía Mỹ chỉ đưa ra một tuyên bố rằng Bắc Kinh thừa nhận có chung với Washington mục tiêu giảm bớt thâm hụt thương mại và cả hai bên sẽ hợp tác để đạt được điều này. Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin không cho biết thêm, kể cả những chi tiết như hai bên có thể đồng thuận đến mức nào hay khi nào thì nối lại đàm phán.
Ngày 19/7 đánh dấu mốc kết thúc khoảng thời gian 100 ngày mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ấn định cho việc hai bên thống nhất được một kế hoạch toàn diện để cài đặt lại mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc hai bên không ra tuyên bố chung về bất kỳ kế hoạch nào chứng tỏ họ đã không đạt được mục tiêu tự đề ra.
Các quan chức Trung Quốc vẽ lên một bức tranh màu hồng hơn về các cuộc đàm phán hôm 19/7, với việc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả chúng là "có tính đổi mới, thực chất và có tính xây dựng" mặc dù ông nhắc lại sự bất bình của Trung Quốc trước những hành động gần đây của Mỹ, trong đó có việc bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan.
Việc chưa có những bước đi cụ thể để thu hẹp khoản thâm hụt thương mại ước lên tới 374 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc - chiếm 70% tổng nhập siêu của Mỹ với thế giới - đang làm gia tăng áp lực buộc chính quyền Trump phải chuyển thay đổi chủ trương hợp tác với Bắc Kinh.
Những nhân vật thạo tin cho rằng điểm mấu chốt là yêu cầu của các nhà thương thuyết Mỹ muốn đề ra một kế hoạch cụ thể, với những mức trần và khung thời gian rõ ràng, để giảm bớt thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Myron Brilliant, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, cho biết chính quyền Mỹ muốn áp đặt một số mục tiêu bằng con số cụ thể song Trung Quốc không hài lòng với việc đó.
Trước khi bắt đầu đối thoại, các nhà đàm phán Mỹ đã lạc quan tin rằng họ có thể có được một thỏa thuận nào đó về sự quản lý của Trung Quốc đối với dữ liệu tại các công ty đa quốc gia (vấn đề khiếu nại chính của các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc), nới lỏng những hạn chế đối với các nhà chế tạo ô tô nước ngoài, giảm bớt trợ cấp cho ngành nông nghiệp và xử lý tình trạng dư thừa sản xuất ở ngành sắt thép của Trung Quốc.
Theo Huo Jianguo, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu về Tổ chức Thương mại Thế giới ở Trung Quốc, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều khoảng cách lớn về lợi ích kinh tế và hầu như không có sự thống nhất về cách tiếp cận để hàn gắn những bất đồng.
Đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất, nước nhập khẩu lớn nhất và nước xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, trong khi Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai, nước nhập khẩu lớn thứ hai và nước xuất khẩu lớn thứ 3 của Trung Quốc. Trong những năm qua, xung đột trong quan hệ kinh tế Trung - Mỹ rất nổi bật, cụ thể trong các vấn đề như mất cân bằng thương mại, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, chống bán phá giá và trợ cấp thương mại, hạn chế xuất khẩu, đầu tư công bằng, tiếp cận thị trường tài chính, sở hữu trí tuệ và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao...
Nguy cơ về cuộc chiến thương mại
Đối thoại thương mại Mỹ - Trung đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump như vậy đã không đạt kết quả và không khí lần này khác hẳn với cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình ở Florida hồi tháng Tư, khi ông Trump khen ngợi vị khách Trung Quốc đã có nỗ lực tác động lên CHDCND Triều Tiên và điều đó có thể góp phần cải thiện quan hệ thương mại với Mỹ.
Trước đó vào ngày 11/5, Trung Quốc và Mỹ tuyên bố “Kế hoạch 100 ngày” đã giành được những kết quả sớm trên 10 vấn đề thương mại lớn như thương mại trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ tài chính, đầu tư và năng lượng, trong đó bao gồm việc Trung Quốc sẽ mở cửa nhập khẩu trở lại thịt bò Mỹ và sẽ cấp phép cho các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử 100% vốn của Mỹ. Phía Mỹ hoan nghênh Trung Quốc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ hiện nay vẫn cho rằng tiến độ mở cửa thị trường của Trung Quốc quá chậm chạp.
Nghiên cứu viên cao cấp Chu Thế Kiệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung, Đại học Thanh Hoa, cho rằng thu hẹp thâm hụt thương mại Mỹ - Trung là mối quan tâm lớn nhất của chính quyền Trump. Giải quyết thâm hụt thương mại liên quan đến hai cấp độ: Trung Quốc mua nhiều, Mỹ bán nhiều.
Tuy nhiên, Mỹ không thể chỉ dựa vào việc xuất khẩu các loại nông sản như thịt bò để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, mà còn cần phải mở cửa với Trung Quốc trong vấn đề chuyển giao công nghệ cao, bao gồm công nghệ năng lượng sạch, công nghệ môi trường.
Trong một phát biểu, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nói hai bên nên duy trì một cuộc đối thoại lành mạnh và cảnh báo chớ bắt đầu đi theo con đường đối đầu về thương mại. Ông Uông nói rằng “đối thoại không thể ngay lập tức giải quyết mọi khác biệt, nhưng đối đầu sẽ ngay lập tức gây tổn hại đến lợi ích của cả hai nước”.
Tờ Straitstimes của Singapore đăng bình luận của William Pesek, một nhà báo tại Tokyo và là cựu bình luận viên cho Bloomberg, về những hệ lụy đối với châu Á khi diễn ra cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Theo nhà báo này, châu Á cần chuẩn bị cho cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump về vấn đề thương mại, mặc dù mục tiêu sẽ là Trung Quốc, những nước còn lại ở châu Á có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Singapore, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan - những nền kinh tế mở, dựa vào trao đổi thương mại - dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trong thời kỳ sắp tới.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã nhấn mạnh, ít nhất 80% thương mại ngày nay thuộc về chuỗi cung ứng. Kỹ năng của người lao động, chi phí và tiến bộ công nghệ đã dẫn đến việc sản xuất một sản phẩm có thể được tiến hành ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, theo nhà báo Pesek, nguy cơ ông Trump gây bất ổn cho những nền kinh tế lớn nhất châu Á là hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn tới đầu tư và chi tiêu ở khu vực này đều sa sút.
 Nguồn: Thoibaonganhang.vn