Giá xăng dầu là nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao
Lạm phát vẫn là rủi ro được nhắc đến nhiều nhất hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi hậu COVID-19.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã ghi nhận mức tăng 0,38% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ 1 nhóm hàng giảm giá.
Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số CPI tiếp tục ghi nhận mức tăng trong tháng 5 này là giá hàng hóa nhóm giao thông tăng 2,34% trong tháng, ảnh hưởng tới mức tăng chung 0,23 điểm %. Như vậy, chỉ riêng mức tăng của nhóm hàng hóa giao thông đã tác động tới hơn 60% mức tăng chung của CPI trong tháng.
Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng kể trên, tính từ cuối năm 2021 đến nay, CPI trong nước đã tăng tổng cộng 2,48%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cũng đã cao hơn 1,05 điểm %. Nếu so với tháng 5/2021, chỉ số CPI hiện tại cao hơn tới 2,86%.

https://vietnambiz.vn/dien-bien-lam-phat-tu-nay-den-cuoi-nam-se-ra-sao-202253114659988.htm

Lạm phát tăng nhanh trong quý II, đến quý III là giai đoạn căng thẳng nhất
Về diễn biến lạm phát những tháng cuối năm, báo cáo hồi tháng 4 của CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo lạm phát có thể tăng nhanh trong quý II. Khối phân tích cho rằng rủi ro lạm phát gia tăng trong những quý cuối năm do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Các chuyên gia của công ty này nhận định giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng. Do đó, trong kịch bản cơ sở, VNDirect nâng dự báo giá dầu thô bình quân năm 2022 lên 88 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng trước đó.
"Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông vận tải", VNDirect nhận định.

Bên cạnh đó, việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm và giá cước vận chuyển cũng có thể tác động đến giá thành sản xuất của Việt Nam. Xung đột càng kéo dài thì tác động càng lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc tăng giá phân bón và các mặt hàng nông sản (lúa mì, ngô, lúa mạch) cũng có thể gây áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước, mặc dù tác động sẽ tương đối hạn chế.
Do đó, VNDirect cho rằng lạm phát sẽ nóng lên trong tháng tới và dự báo lạm phát trong quý II bình quân ở mức 3,1% so với cùng kỳ (so với 1,9% so với cùng kỳ trong quý I). Lạm phát bình quân năm 2022 được dự báo ở mức 3,45% so với cùng kỳ.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng quý III là giai đoạn căng thẳng nhất của lạm phát.
Ông nhấn mạnh khả năng nhập khẩu lạm phát là hiển nhiên trong bối cảnh tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng... Từ giữa năm đến quý III sẽ là thời điểm căng thẳng của lạm phát vì ảnh hưởng từ lạm phát chung của thế giới cũng như tính lan tỏa của nó đến kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định năm nay, kinh tế Việt Nam đối diện nguy cơ lạm phát tăng gấp đôi năm ngoái, khoảng trên 4%.
Theo ông, thế khó chính sách hiện nay là tăng lãi suất hay không. "Tăng lãi suất để siết dòng tiền sẽ kiểm soát được lạm phát, nhưng tăng lãi suất lại kiềm chế tăng trưởng chung của nền kinh tế do vốn cho doanh nghiệp bị siết", ông Lực nói.
Trong báo cáo kinh tế thường niên 2022, VEPR cũng nhấn mạnh Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Tình trạng lạm phát hiện nay còn thấp ở trong nước là do một phần vì cầu tiêu dùng thấp.
Nhưng thực tế, lạm phát do chi phí đẩy đã rất cao và cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ. Đặc biệt là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng.
VEPR kiến nghị đây cũng là thời điểm cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng dầu nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Trong ngắn hạn, cơ quan này đề xuất một số khuyến nghị chính sách như Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng. Cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tích cực...
Hiện nay, các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách.
"Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan tỏa cao. Cần tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng", VEPR đề xuất.
Dự báo về lạm phát của Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhắc lại áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến.
Bên cạnh đó, khủng hoảng Nga-Ukraine chưa có hồi kết càng làm trầm trọng thêm sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây.
Trong nước, dự báo giá lương thực, thực phẩm, giá dịch vụ giáo dục; giá nhiên liệu, năng lượng tăng trong những tháng cuối năm. Vì vậy, theo ông, dự báo lạm phát năm 2022 của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 4-4,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra nhưng là mức thấp trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao.

Nguồn: vietnambiz