VN-Index kết thúc tuần giao dịch ở mức cao nhất trong lịch sử. Dòng tiền khá dồi dào thể hiện qua khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình 20 phiên.
Giao dịch: Các chỉ số thị trường kết thúc tuần với tín hiệu tích cực. VN-Index tăng 2.85% đạt mức 1,320.46 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 1.97% dừng tại 310.46 điểm.
Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn duy trì mức cao trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 679 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 0.46% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 133 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5.09%.
Tiếp nối đà tăng cuối tuần trước, VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tăng hơn 11 điểm. Diễn biến tiếp tục tích cực với hai phiên tiếp theo tăng mạnh. Tuy có sự điều chỉnh sau đó nhưng VN-Index vẫn kết phiên tuần tại mức cao nhất trong lịch sử.
Dòng bank là tâm điểm của thị trường trong tuần qua khi đồng loạt đều tăng mạnh, đã dẫn dắt VN-Index lập đỉnh lịch sử mới ở vùng giá 1.320 điểm.
Cụ thể thống kê trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index đã tăng điểm trong 4 phiên và 1 phiên giảm. Mức điểm cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.323,09 điểm và 1.287,36 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 36,53 điểm, tương ứng tăng 2,8% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần tại mức 1.320,46 điểm.
Diễn biến sàn HOSE trong tuần qua từ 24-28/5
Ngày VN-INDEX Thay đổi Khối lượng GD Giá trị GD (tỷ đồng)
28/5 1320,46 +16,89(+1,30%) 768.849.713 24.798
27/5 1303,57 -13,13(-1,00%) 732.998.065 24.088
26/5 1316,70 +8,12(+0,62%) 713.069.002 21.689
25/5 1308,58 +10,60(+0,82%) 679.062.580 21.246
24/5 1297,98 +14,05(+1,09%) 715.509.375 23.635
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE.
Tương tự, sàn HNX có 4 phiên tăng điểm và 1 phiên giảm. Mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 311,38 điểm và 297,67 điểm. Tổng cộng cả tuần, chỉ số HNX-Index tăng 12,47 điểm, tương ứng tăng 4,2% so với cuối tuần trước và kết tuần ở mức 310,46 điểm.
Diễn biến sàn HNX trong tuần qua từ 24-28/5
Ngày HNX-INDEX Thay đổi Khối lượng GD Giá trị GD (tỷ đồng)
28/5 310,46 +6,01(+1,97%) 171.381.889 4.047
27/5 304,45 -0,41(-0,13%) 153.563.482 3.534
26/5 304,86 +3,27(+1,08%) 138.778.496 3.104
25/5 301,59 +1,26(+0,42%) 131.055.951 2.896
24/5 300,33 +2,34(+0,79%) 110.870.169 2.540
Thanh khoản tiếp tục gia tăng so với tuần trước đó với khoảng 26.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên 2 sàn. Tính chung cả tuần trên sàn HOSE, khối lượng và tổng giá trị giao dịch đạt lần lượt đạt 3.609 triệu cổ phiếu và 115.458 tỷ đồng, giảm 5,5% về lượng và tăng 4,2% về giá trị so với tuần trước đó.
Còn trên sàn HNX, khối lượng và giá trị lần lượt đạt 706 triệu cổ phiếu và 16.125 tỷ đồng, giảm 6% về lượng và tăng 6,7% về giá trị so với tuần trước.
Trong top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index tuần qua, GVR theo sau là các mã CTG, VCB, BID cũng thể hiện được sức mạnh của mình khi là tác nhân chính góp phần cho đà tăng của thị trường. Ở chiều ngược lại VIC, PLX, NVL là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
Xét theo nhóm ngành trong tuần qua, nhóm ngân hàng tiếp tục chuỗi tăng giá ấn tượng khi có tới 8 mã nằm trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất chỉ số VN-Index. Cụ thể là các mã CTG, VCB, BID, MBB, TCB, EIB, STB và hiện tượng mới nổi SSB.
Nhóm dầu khí có tuần giao dịch khá tích cực. Cụ thể PVS leo dốc 11.37%, PVT tăng mạnh 8.47%, PVD tăng 5.9%, BSR, PVB và OIL cùng đạt mức trên 3%.
Bất chấp những thông tin về dịch bệnh Covid-19, VN-Index kết thúc tuần giao dịch ở mức điểm cao nhất trong lịch sử. Dòng tiền tiếp tục dồi dào thể hiện qua khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình 20 phiên.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng gần 299 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 473 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 174 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tăng giá mạnh tiêu biểu trong tuần qua là VDS và LPB
VDS tăng 19.94%: Giá cổ phiếu VDS đã tăng mạnh trở lại, đi kèm với thanh khoản cao, cho thấy dòng tiền đang quay trở lại với cổ phiếu này. Mảng tự doanh của công ty khởi sắc khi chuyển lỗ thành lãi (theo báo cáo tài chính quý 1/2021).
LPB tăng 19.15%: Cổ phiếu LPB tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng từ cuối tháng 3/2021, đà tăng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cổ phiếu giảm giá mạnh tiêu biểu trong tuần qua là AMD
AMD giảm 9.16%: Sau chuỗi leo dốc ấn tượng đến cuối tháng 4/2021, mã AMD đã quay đầu giảm giá cho đến nay. Chỉ báo MACD đã cho tín hiệu bán mạnh và đã phá vỡ ngưỡng 0.
Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán:
CTCK BIDV – BSC đã có quan điểm khá đúng cho diễn biến thị trường tuần qua khi cho rằng thị trường có khả năng tiếp tục đi lên trong quá trình thiết lập những đỉnh lịch sử mới.
Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn các nhận định mang tính chất trung lập rằng VN-Index sẽ vận động quanh ngưỡng 1.300 điểm trong ngắn hạn trước khi hình thành xu hướng mới, BSC đã dự báo sai duy nhất trong phiên giao dịch ngày 26/5. Cụ thể, trong khi VN-Index có phiên tăng vọt và tiến sát vùng giá 1.320 điểm, thì công ty chứng khoán này lại cho rằng thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh.
Trong khi đó, CTCK MB – MBS đã đưa ra 3 nhận định chuẩn xác và 2 nhận định sai.
Cụ thể, MBS đã nhận đúng về xu hướng tăng của thị trường trong 3 phiên đầu tuần ngày 24-26/5, dù có phần quá lạc quan khi cho rằng đường về mốc 1.350 điểm trong ngắn hạn đang trở nên rộng mở.
Tuy nhiên, trong khi thị trường đột ngột giảm sâu ngày 27/5 khiến VN-Index lùi về sát mốc 1.300 điểm, thì MBS lại dự báo thiếu chuẩn xác bởi quan điểm rằng thị trường đang rất mạnh mẽ và khả năng vượt qua 1.330 điểm là rất cao.
Trái lại, thị trường nhanh chóng đảo chiều bật mạnh và xác lập đỉnh lịch sử mới tại ngưỡng 1.320 điểm trong phiên cuối tuần 28/5, thì công ty chứng khoán này lại khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên quản lý rủi ro, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng hoặc thấp.
Đặc biệt là CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS đã duy trì quan điểm trong suốt cả tuần khi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm để hoàn thành sóng tăng 5. Với dự báo này đã giúp SHS ghi điểm trong 4 phiên giao dịch ngày 24-26/5 và 28/5, nhưng lại là nhận định sai trong phiên giảm sâu ngày 27/5.
Còn tại CTCK Rồng Việt – VDSC đã có tuần nhận định không mấy tích cực khi chủ yếu các dự báo đều mang tính trung lập và có phần thiếu chuẩn xác.
Cụ thể như phiên tăng khá mạnh ngày đầu tuần 24/5, VDSC lại cho rằng thị trường cần nghỉ dưỡng sức để tiếp tục cho xu thế mới.
Đáng kể là trong 2 phiên giao dịch ngày 26-27/5, VDSC nhận định có phần thiếu chuẩn xác. Trong đó, phiên tăng điểm ngày 26/5 giúp VN-Index xác lập đỉnh mới đã được VDSC dự báo thị trường dễ xẩy ra việc chốt lời ngắn hạn; trái lại, phiên quay đầu giảm sâu ngày 27/5 lại được công ty chứng khoán này cho rằng VN-Index vẫn tiếp tục hành trình đi lên.