Đồng USD đã đảo chiều tăng từ giữa tuần này sau khi Phó Chủ tịch Fed, Richard Clarida, phát biểu cho thấy đã có những điều kiện cơ sở để Fed có thể tăng lãi suất sớm, vào cuối năm 2022.
Phiên cuối tuần, 6/8, dollar index tiếp tục tăng gần 0,6% lên 92,776.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại sau 5 tuần giảm, trong khi lợi suất “thực”, không bao gồm lạm phát, kết thúc 6 tuần giảm. Theo đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng tăng lên 1,3% hôm 6/8, từ mức 1,18% hôm 2/8.
“Tôi tin những điều kiện cần thiết để nâng lãi suất sẽ không thể đạt được vào cuối năm 2022. Việc bình thường hóa chính sách vào năm 2023 sẽ phù hợp với khuôn khổ làm việc mới về mục tiêu lạm phát trung bình của chúng tôi”, ông Clarida nói.
Ngoài Clarida, hai nhà lập chính sách khác cũng bày tỏ mong muốn sớm bắt đầu giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của Fed. Một trong hai người là chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan nêu rõ ông coi việc sớm siết chính sách hỗ trợ là cách “tiếp cận kiên nhẫn hơn” với tăng lãi suất, không phải để tăng lãi suất nhanh hơn.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố trước cuối tuần cho thấy thị trường việc làm nước này tháng 7 tốt hơn dự kiến, với lĩnh vực phi nông nghiệp có thêm 943.000 việc, nhiều hơn mức dự báo là 870.000, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hành động nhanh trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Thông tin này đã kéo USD tăng trở lại.
Các quan chức Fed luôn khẳng định sự cải thiện việc làm là yếu tố rất quan trọng để họ bắt đầu xem xét giảm dần những chương trình kích thích tài chính đã thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Những bình luận trên mở ra khả năng Fed chọn siết hỗ trợ kinh tế sớm hơn dự báo. Chúng còn phản ánh mức độ căng thẳng trong các cuộc thảo luận tại ngân hàng trung ương Mỹ về thời điểm và cách thức thực hiện – có khả năng đạt đỉnh điểm trong vài tuần tới, khi có thêm số liệu kinh tế được công bố.
So với các đồng tiền trú ẩn an toàn khác như yen Nhật bản và franc Thụy Sỹ, USD phiên này đều tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, phản ánh tâm lý đề phòng rủi ro cũng như sự hấp dẫn của lãi suất (cao hơn) của Mỹ.
Phiên 6/8, USD tăng 0,9% so với franc Thụy Sĩ và 0,4% đối với đồng yên Nhật trong phiên vừa qua, được giao dịch ở mức 110,215 JPY/USD. Trong khi đó, đồng euro giảm 0,6% xuống 1,1759 USD. EUR giảm một phần do dữ liệu về đơn đặt hàng công nghiệp của Mỹ thấp hơn dự kiến.
Đồng bảng Anh giảm gần 0,4% xuống 1,3878 USD. Trái ngược với báo cáo về số liệu việc làm của Mỹ, tại Canada, dữ liệu tháng 7 cho thấy số việc làm của nước này ít hơn so với dự kiến. Do đó, USD tăng 0,4% so với CAD lên 1,2555 CAD/USD. 
do la my
Hình ảnh minh họa
Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm nhẹ so với đồng USD. Trên thị trường giao ngay phiên 6/8, nhân dân tệ nội địa giảm 33 pip so với ngày hôm trước, xuống 6,4643 CNY/USD. Đồng nhân dân tệ tuần này bị mắc kẹt trong một phạm vi hẹp, dưới 150 pip quanh mức 6,46 CNY, và tính chung cả tuần gần như không thay đổi so với USD.
Một nhà giao dịch tại một ngân hàng Trung Quốc cho biết: “Đồng đô la vẫn có khả năng dẫn dắt sự biến động của đồng nhân dân tệ trong ngắn hạn”. Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi sự lây lan ngày càng rộng của biến thể Delta ở Trung Quốc và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ, tìm kiếm manh mối về lập trường chính sách của Bắc Kinh trong việc ấn định lãi suất cho vay tham chiếu trong cuộc họp hàng tháng, sẽ diễn ra vào ngày 20/8.
Cũng trong phiên 6/8, ringgit Malaysia và Peso Philippines giảm lần lượt 2% và 3% so với đồng bạc xanh trong quý 3 này, trong khi đồng baht của Thái Lan là một trong những đồng tiền hoạt động kém nhất trên thế giới sau khi suy yếu gần 4% kể từ đầu tháng 7 đến nay.
Về triển vọng USD, các nhà phân tích cho biết, Fed cần nhiều bằng chứng hơn, ngoài dữ liệu việc làm, để điều chỉnh lãi suất. Phản ứng đối với các báo cáo việc làm hàng tháng đã thay đổi thường xuyên trong năm nay, nhất là ở những ngày liền ngay sau khi công bố dữ liệu.
Khi các nhà hoạch định chính sách của Fed tin tưởng đến lúc cần nâng lãi suất thì nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đủ mạnh để hỗ trợ các loại tiền tệ rủi ro hơn thay vì đồng đô la.
Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters, khảo sất ý kiến của các chiến lược gia tiền tệ, cho thấy hầu hết dự đoán đồng đô la sẽ giảm trong năm tới.
Vasilieos Gkionakis, người đứng đầu mảng chiến lược ngoại hối toàn cầu của Lombard Odier Group, cho biết: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà tăng trưởng và thương mại toàn cầu sẽ vẫn tương đối vững chắc và điều đó sẽ tạo ra một số xu hướng giảm đối với đồng đô la”.
Sắp tới đây, thị trường sẽ theo dõi các bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Fed tại hội nghị chuyên đề của các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, Wyoming vào cuối tháng này.
Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao thuộc fxstreet.com, cho biết sẽ có những động thái lớn về tỷ giá hối đoái cho đến khi các quan chức Fed báo hiệu sự sẵn sàng dẫn dắt các ngân hàng trung ương khác trong việc rút lại các gói hỗ trợ kinh tế.
Trevisani nói: “Fed đang bơm nhiều tiền hơn vào nền kinh tế Mỹ, và từ đó lan tỏa ra phần còn lại của thế giới nhiều hơn so với bất kỳ ai khác”
do la my hoi phuc manh

Nguồn: VITIC / Reuters