ECB đã hạ lãi suất bốn lần trong năm nay, và các nhà đầu tư đang đặt cược vào việc nới lỏng chính sách hơn nữa vào năm 2025 khi lo ngại về lạm phát dần biến mất, trong khi tăng trưởng kinh tế yếu kém trở thành mối quan tâm lớn hơn.
"Nếu các dữ liệu sắp tới tiếp tục xác nhận kịch bản cơ sở của chúng tôi, hướng đi đã rõ ràng và chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục giảm lãi suất," bà Lagarde phát biểu tại Vilnius.
Bà bổ sung rằng việc duy trì lãi suất ở mức “đủ hạn chế” không còn phù hợp trong bối cảnh tăng trưởng yếu và áp lực giá đang giảm dần. Điều này ám chỉ mục tiêu tiếp theo của ECB là mức lãi suất “trung tính” – không làm hạn chế cũng không kích thích nền kinh tế.
Dù khái niệm lãi suất trung tính vẫn chưa được định nghĩa cụ thể, bà Lagarde từng cho biết nghiên cứu của ECB đặt mức này trong khoảng 1,75% đến 2,5%. Điều đó cho thấy nhiều khả năng lãi suất tiền gửi hiện tại ở mức 3% sẽ được cắt giảm thêm vài lần trước khi cuộc thảo luận về mức trung tính trở nên sôi động.
Các nhà đầu tư tài chính dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất trong bốn cuộc họp tới và khả năng cao sẽ có thêm một đợt giảm nữa trước cuối năm, đưa mức lãi suất chính xuống sát đáy của phạm vi trung tính này.
Lý do chính khiến chính sách có thể được nới lỏng nhanh chóng là do những yếu tố lạm phát còn sót lại đang biến mất, đặc biệt là áp lực từ chi phí dịch vụ – mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng hóa tiêu dùng – đang được kiểm soát.
Bà Lagarde nhận định: "Động lực lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cũng đã giảm mạnh gần đây. Những dữ liệu này cho thấy có khả năng giảm lạm phát dịch vụ, và qua đó là lạm phát nội địa, trong những tháng tới."
Tăng trưởng tiền lương, một mối lo ngại lớn trước đây, cũng đang cho thấy triển vọng tích cực hơn. Theo công cụ theo dõi tiền lương của ECB, mức tăng lương dự kiến đạt 3% trong năm tới, phù hợp với mục tiêu lạm phát của ngân hàng này.
Bà Lagarde cũng cảnh báo về một số rủi ro giảm đối với lạm phát, khi các nguy cơ địa chính trị tạo thêm bất ổn và những cú sốc mới có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng vốn đã yếu.
“Nếu Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta – đi theo con đường bảo hộ, tăng trưởng tại khu vực đồng Euro có thể bị ảnh hưởng,” bà Lagarde nhấn mạnh.