Theo báo cáo của Tổ chức FAO, chỉ số giá lương thực thế giới (FFPI) tháng 5/2022 đạt trung bình 157,4 điểm, giảm 0,9 điểm (0,6%) so với tháng 4/2022, đánh dấu mức giảm tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù vẫn tăng 29,2 điểm (22,8%) so với tháng 5/2021; trong đó, chỉ số giá dầu thực vật và sữa, chỉ số giá đường giảm, trong khi, chỉ số giá ngũ cốc và thịt tăng.
Chỉ số giá ngũ cốc tháng 5/2022 đạt trung bình 173,4 điểm, tăng 3,7 điểm (2,25%) so với tháng 4/2022 và tăng 39,7 điểm (29,7%) so với tháng 5/2021. Giá lúa mì thế giới tăng tháng thứ tư liên tiếp, tháng 5/2022 tăng 5,6% so với tháng 4/2022 và tăng 56,2% so với tháng 5/2021 và chỉ thấp hơn so với mức cao kỷ lục 11% đạt được vào tháng 3/2008. Giá lúa mì tăng mạnh do Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu trong bối cảnh lo ngại về vụ mùa ở một số quốc gia xuất khẩu hàng đầu, cũng như nguồn cung ở Ukraine giảm vì chiến tranh. Ngược lại, giá ngũ cốc thô thế giới trong tháng 5 giảm 2,1% so với tháng 4/2022 nhưng tăng 18,1% so với tháng 5/2021. Nguồn cung ngô ở Mỹ, Achentina tăng nhẹ và sắp bắt đầu thu hoạch vụ ngô chính của Brazil đã khiến giá ngô giảm 3%; tuy nhiên, vẫn tăng 12,9% so với tháng 5/2021. Tương tự, giá bo bo thế giới trong tháng 5/2022 cũng giảm 3,1%, trong khi tác động từ lo ngại nguồn cung ở EU đã thúc đẩy giá lúa mạch tăng 1,9%. Giá gạo thế giới trong tháng 5/2022 tăng tháng thứ năm liên tiếp, tăng ở tất cả các thị trường chính, như thị trường Ấn Độ tăng nhẹ 2,6%, trong bối cảnh nguồn cung dồi dào.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới trong tháng 5/2022 đạt trung bình 229,3 điểm, giảm 8,3 điểm (3,5%) so với tháng 4/2022, nhưng vẫn tăng mạnh so với tháng 5/2021; trong đó giá dầu cọ, hướng dương, đậu nành và hạt cải dầu đều giảm. Giá dầu cọ giảm do nhu cầu giảm và việc Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong thời gian ngắn đã tạo thêm áp lực giảm giá, mặc dù việc giảm giá được kiềm chế do những bất ổn kéo dài về nguồn cung xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, giá dầu hướng dương thế giới giảm từ mức cao kỷ lục gần đây, do nguồn cung ở Ukraine tăng do tắc nghẽn trong vận chuyển. Giá đậu tương và dầu hạt cải thế giới trong tháng 5/2022 cũng giảm nhẹ, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm vì chi phí tăng cao trong những tháng gần đây.
Chỉ số giá sữa trong tháng 5/2022 đạt trung bình 141,6 điểm, giảm 5,1 điểm (3,5%) so với tháng 4/2022, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 8 tháng tăng liên tiếp, nhưng vẫn tăng 20,5 điểm (16,9%) so với tháng 5/2021. Giá tất cả các sản phẩm sữa giảm, trong đó sữa bột giảm nhiều nhất, do tiêu thụ giảm vì những bất ổn của thị trường bắt nguồn từ việc Trung Quốc tiếp tục đóng cửa, bất chấp nguồn cung toàn cầu liên tục bị thắt chặt. Giá bơ cũng giảm đáng kể do nhu cầu nhập khẩu yếu hơn cùng với nguồn cung từ Australia tăng và tiêu thụ tại thị trường Châu Âu giảm. Trong khi đó, doanh số bán lẻ pho mát tăng mạnh và nhu cầu của các nhà hàng tăng trước kỳ nghỉ hè ở Bắc bán cầu đã ngăn giá pho mát giảm mạnh, bất chấp nhu cầu nhập khẩu toàn cầu suy yếu.
Chỉ số giá thịt thế giới trong tháng 5/2022 đạt trung bình 122 điểm, tăng 0,6 điểm (0,5%) so với tháng 4/2022, tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay do giá thịt gia cầm tăng mạnh, trong khi giá thịt lợn, trứng giảm. Trong tháng 5, giá thịt gia cầm tăng, do tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng ở Ukraine và dịch cúm gia cầm trong bối cảnh nhu cầu ở châu Âu và Trung Đông tăng mạnh. Trong khi đó, giá thịt bò thế giới vẫn ổn định do nguồn cung từ Brazil và Australia tăng đủ đáp ứng nhu cầu trên thế giới. Ngược lại, giá thịt lợn thế giới giảm do nguồn cung cho xuất khẩu tăng, đặc biệt là ở Tây Âu, trong bối cảnh nhu cầu giảm.
Chỉ số giá đường thế giới trong tháng 5/2022 đạt trung bình 120,3 điểm, giảm 1,3 điểm (1,1%) so với tháng 4/2022, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau khi tăng mạnh trong hai tháng trước đó do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm trong khi nguồn cung tăng, chủ yếu do vụ mùa bội thu ở Ấn Độ. Sự suy yếu của đồng Real Brazil so với đô la Mỹ và giá ethanol giảm dẫn đến áp lực giảm giá đường thế giới. Tuy nhiên, những bất ổn về mùa vụ hiện tại ở Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã ngăn cản giá giảm mạnh.

Nguồn: Vinanet/VITIC/fao.org