Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) đã được thông qua về mặt nguyên tắc và sẽ còn được bàn bạc cụ thể thêm nữa. Các phái đoàn đàm phán sẽ phải giải quyết một số vấn đề kỹ thuật còn lại và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban châu Âu dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2015.

HSBC nhận định, một khi văn bản hoàn chỉnh được hoàn tất, các bên sau đó sẽ tiến hành phê chuẩn hiệp định và và đưa hiệp định hiệu lực này đi vào thực hiện.

Trong trường hợp của EU, quá trình phê chuẩn có thể mất 1 năm hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào tốc độ xem xét của cả Hội đồng và Nghị viện châu Âu và bản chất của tham vấn cần thiết với các nước thành viên liên minh EU.

Theo HSBC, khác với nhiều hiệp định thương mại tự do giữa các nền kinh tế đang phát triển và phát triển, EVFTA là một hiệp định đầy tiềm năng và tương đối toàn diện.

Hiệp định này sẽ giải quyết các rào cản phi thuế quan đối với thương mại liên quan đến các tiêu chuẩn và quy định, cung cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ bao gồm cả chỉ dẫn địa lý, tự do hóa mua sắm chính phủ, áp đặt quy tắc về hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tự do hóa dịch vụ và đầu tư (mặc dù quy định cho việc giải quyết tranh chấp chủ đầu tư nhà nước vẫn còn đang đàm phán), và thúc đẩy bảo vệ xã hội và môi trường cũng như quyền con người.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2014 sau Trung Quốc (một nguồn quan trọng đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam); châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

Trong năm 2014, tổng giá trị thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đạt 33,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm 27,3 tỷ USD.

 

Xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14% năm 2014
Các mặt hàng sản xuất có giá trị lao động cao như máy móc và các thiết bị, giày dép và dệt may chiếm đa số trong các mặt hàng xuất khẩu đến châu Âu. Xuất khẩu thực phẩm cũng đóng góp đáng kể với 4,8 tỷ USD vào năm 2014.

Thục Anh