|
Diễn biến tiền điện tử trong 24 giờ qua
|
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua 16/6 cho biết sẽ không ungrhooj El Salvador trong việc triển khai Bitcoin là đồng tiền hợp pháp bởi những hạn chế về tính minh bạch cũng như về vấn đề môi trường. Người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Chúng tôi cam kết giúp đỡ El Salvador theo nhiều cách, bao gồm minh bạch tiền tệ và các quy trình quản lý.
El Salvador trong tháng này đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận bitcoin dưới dạng tiền tệ hợp pháp. “Mặc dù chính phủ (El Salvador) đã tiếp cận chúng tôi với đề xuất xin được hỗ trợ về bitcoin, nhưng đây không phải là điều mà Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ vì những khiếm khuyết về môi trường và sự minh bạch,” WB cho biết.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 10/6 cũng đã cảnh báo các vấn đề kinh tế và pháp lý đối với El Salvador trong việc quốc gia vùng Trung Mỹ này đưa Bitcoin trở thành một phương tiện thanh toán hợp pháp bên cạnh đồng USD.
“Việc chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán hợp pháp đặt ra một số vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính và pháp lý, đòi hỏi sự phân tích vô cùng kỹ lưỡng”, người phát ngôn Gerry Rice của IMF nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và sẽ tiếp tục tham vấn Chính phủ El Salvador”, ông Rice nói, và cho biết đại diện IMF sẽ gặp ông Bukele để thảo luận về đạo luật Bitcoin của nước này.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia cho biết đã chính thức cấm các tổ chức tài chính trong nước sử dụng tiền điện tử làm công cụ thanh toán hoặc công cụ dịch vụ tài chính. Thống đốc Warjiyo khẳng định rằng tiền điện tử không phải là công cụ thanh toán hợp pháp tại Indonesia theo quy định của pháp luật, cụ thể là Hiến pháp, Luật về BI và Luật tiền tệ. Ông cho hay BI sẽ triển khai các giám sát viên nhằm đảm bảo rằng các tổ chức tài chính tuân thủ luật pháp.
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do Ủy ban Kiểm toán Nhà nước (BPK) tổ chức ngày 15/6, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI), ông Perry Warjiyo, nhấn mạnh: "Chúng tôi cấm tất cả các tổ chức tài chính, đặc biệt là các đối tác của BI, không tạo thuận lợi hoặc sử dụng tiền điện tử như một công cụ hoặc dịch vụ thanh toán".
Indonesia cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong thanh toán, mặc dù cho phép giao dịch chúng như một loại hàng hóa. Công cụ này được xem là không có cơ sở cơ bản, quy định rõ ràng và dễ bị đầu cơ. Tuy nhiên, hiện BI đang có kế hoạch tung ra một loại tiền rupiah kỹ thuật số và đang đánh giá nền tảng sử dụng loại tiền tệ này.
Trước Indonesia, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Thái Lan (SEC) cũng cấm các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước hỗ trợ bốn loại token khác nhau trong một số trường hợp nhất định. Trong thông báo hôm 11/6 từ SEC Thái Lan, cơ quan quản lý cho biết Tổng thư ký Ruenvadee Suwanmongkol đã phê duyệt hướng dẫn trao đổi tiền điện tử. Thông báo 18/2564 về “Quy tắc, điều kiện và thủ tục để thực hiện kinh doanh tài sản kỹ thuật số” vào thứ Tư sẽ có hiệu lực.
Nhiều nước Châu Á khác cũng đang ngày càng siết chặt hơn đối với giao dịch tiền điện tử. Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hàn Quốc (FSC) đã công bố các hạn chế đối với nhân viên điều hành và nhà điều hành sàn giao dịch, ngăn họ giao dịch trên nền tảng của riêng họ. Đơn vị tình báo tài chính của FSC (FIU) gần đây đã gặp gỡ các quan chức từ các sàn giao dịch tiền điện tử, trình bày kế hoạch sửa đổi Đạo luật.
Các sửa đổi mới nhất là hạn chế giao dịch chéo trên các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước. Lệnh cấm này được đưa ra với nỗ lực loại bỏ tình trạng thao túng giá và việc không tuân thủ các quy định mới sẽ dẫn đến hình phạt lên tới 89,656 USD (100 triệu won Hàn Quốc) dưới hình thức hủy giấy phép kinh doanh.
Ngoài lệnh cấm giao dịch chéo, để đối phó chống lại hack, các sửa đổi mới nhất sẽ bắt buộc các sàn giao dịch tiền điện tử phải giữ ít nhất 70% tiền gửi của khách hàng trong ví lạnh. Vì phí giao dịch thường được thu bằng tiền điện tử, các sàn giao dịch không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đổi chúng thành Won Hàn Quốc trên nền tảng của riêng họ. Quy định mới có nghĩa là giao dịch bắt buộc không đi kèm hoa hồng.