Báo cáo của HSC nhận định về việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ kỷ lục 1,9% vào ngày hôm qua nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc bao gồm máy móc, thiết bị, điện thoại và phụ kiện, máy tính, độ điện tử và linh kiện, vải trong khi đó xuất khẩu chủ yếu là máy tính, đồ điện tử và linh kiện, sợi, dầu thô, gạo; sắn và các sản phẩm từ sắn.
Phần lớn những mặt hàng xuất khẩu đều khá nhạy cảm về giá và các nhà sản xuất trong nước phải điều chỉnh giá để duy trì sản lượng xuất khẩu.
Việc phá giá cũng tác động gián tiếp đến xuất khẩu hàng dệt may, sản phẩm công nghệ thông tin và hải sản trên thị trường toàn cầu. Với sự giảm giá này, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bao gồm hàng dệt may, hải sản và thép chẳng hạn trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế so với xuất khẩu của Việt Nam ở các mặt hàng tương tự.
Cuối cùng, diễn biến này có thể tác động đến một số nên kinh tế khu vực khác như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc sẽ có động thái xem xét chính sách tiền tệ nhằm cải thiện tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Từ tất cả những tác động trên, HSC cho rằng tác động chung sẽ ở mức vừa phải với mức độ điều chỉnh nhỏ của đồng nhân dân tệ và thực tế rằng Việt Nam cũng đã điều chỉnh giảm tiền đồng 2% từ đầu năm đến hiện tại. HSC ước tính sự giảm giá 1% của đồng Yuan Trung Quốc sẽ làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thêm 0,6-0,8%.
Việc phá giá cũng sẽ tác động tăng nhẹ đối với thâm hụt thương mại cả năm nay và ảnh hưởng nhẹ đến các công ty đường, cao su, hải sản và thép. Tuy nhiên, HSC đánh giá mức tác động không đủ lớn để gây nên những ảnh hưởng lớn đối với triển vọng lợi nhuận năm nay của các công ty này.
Thục Anh