Từ cuối tháng 3, nhiều người sử dụng Internet phát hiện thuê bao của họ được tăng gấp đôi băng thông, dù không thực hiện bất kỳ thay đổi gì trong hợp đồng cung cấp mạng. "Trong một lần thử kiểm tra tốc độ mạng của gia đình, tôi bất ngờ thấy tốc độ mạng nhà mình cao gấp đôi so với gói cước đã ký", Trung Hiếu, quận 3, TP HCM cho biết.
Anh Hiếu đăng ký gói thuê bao với tốc độ tối đa 70 Mb/giây. Thông thường, gói này cho tốc độ thực tế khoảng 50 - 60 Mb/giây, nhưng trong lần đo thử cuối tháng 3, tốc độ đã đạt hơn 100 Mb/giây, gần gấp đôi thông thường.
Trên một số diễn đàn công nghệ, nhiều thành viên cũng cho biết họ nhận được gói Internet với tốc độ cao hơn gói đã đăng ký, dù không có thông báo nào từ nhà cung cấp. Một số người nhận thấy tốc độ tăng ở đường download (tải xuống) và upload (tải lên), nhưng số khác chỉ được tăng ở tốc độ tải xuống.
Một người dùng đăng ký gói 70Mbps, nhưng tốc độ đo thực tế vào ngày 7/4 cao hơn con số trên.
Một người đăng ký gói 70 Mb/giây, nhưng tốc độ đo thực tế vào ngày 7/4 cao hơn con số trên.
Viettel cho biết họ bắt đầu thử nghiệm nâng băng thông cho người dùng từ cuối tháng 3, nhằm hỗ trợ khách hàng học tập và làm việc tại nhà. Việc triển khai chính thức bắt đầu từ tháng 4.
Ngày 2/4, đơn vị này đã nâng băng thông lên gấp 2 lần cho toàn bộ người dùng Internet cáp quang của họ mà không tăng giá. Băng thông mới sẽ được áp dụng từ tháng 4 cho đến khi Việt Nam công bố hết dịch, sau đó sẽ trở lại đúng hợp đồng.
FPT Telecom sẽ nâng băng thông từ ngày 8/4, tuy nhiên, mỗi gói cước sẽ có mức nâng khác nhau. Đơn vị này cho biết sẽ nâng miễn phí tổng băng thông hơn 60%, và áp dụng đến khi Việt Nam công bố hết dịch.
VNPT cũng đã nâng tốc độ Internet lên tối thiểu 50 Mb/giây cho các thuê bao sử dụng gói cước tốc độ dưới 50 Mb/giây. Chương trình của đơn vị này diễn ra trong ít nhất ba tháng, kể từ tháng 4.
Mặc dù băng thông tăng, nhiều người vẫn gặp tình trạng mạng chậm trong những ngày gần đây. "Thử đo tốc độ mạng với những ứng dụng như SpeedTest, Fast, quả thực tốc độ đã được nâng lên đáng kể, nhưng việc truy cập vào các dịch vụ, website, đặc biệt các dịch vụ tại nước ngoài thì tốc độ vẫn chưa thực sự nhanh", Nguyễn Hải, một người dùng Internet tại Thanh Hóa cho biết.
Tốc độ mạng được anh Hải đo bằng ứng dụng Fast vào ngày 3/4, cho kết quả cao hơn gần gấp đôi so với mức 30Mbps mà anh đăng ký trước đó, tuy nhiên anh cũng cho biết việc truy cập một số dịch vụ như Google Drive, Facebook, vẫn khá chậm.
Tốc độ mạng được anh Hải đo bằng ứng dụng Fast vào ngày 3/4, cho kết quả cao hơn gần gấp đôi so với mức 30 Mb/giây mà anh đăng ký trước đó.
Theo một số chuyên gia, do nhu cầu sử dụng Internet tăng đột biến vì nhiều người ở nhà, dẫn đến tình trạng quá tải tạm thời. Điều này có thể sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, sự cố với cáp quang biển AAG hôm 2/4 có thể cũng khiến cho tốc độ Internet từ Việt Nam đi thế giới bị ảnh hưởng, dẫn đến việc truy cập các website nước ngoài bị giảm tốc độ.
Thống kê của trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX cũng cho thấy, lưu lượng Internet của người Việt đã tăng 40% thời gian qua, tập trung vào các nhu cầu họp hội nghị, học tập và giải trí trực tuyến.