Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hay còn gọi là Quốc lộ 5B, là dự án đường cao tốc loại A với tổng chiều dài 105,5 km, được coi là một trong những tuyến đường trọng điểm trong việc phát triển kinh tế miền Bắc. Tuy nhiên, tuyến đường này vẫn lộ ra nhiều tồn tại nổi cộm.

Đã được khai thác và có thu phí, nhưng hệ thống biển báo, đèn đường, rào chắn của tuyến cao tốc hiện đại này còn thiếu, sai ở cả 2 đầu ra vào và dọc đường.

Đoạn đường được khai thác nối từ Phố Nối tới Hải Phòng với tổng chiều dài khoảng 75, từ chiều Hà Nội tới Hải Phòng, người điều khiển phương tiện phải rẽ ra từ Phố Nối. Tuy nhiên, ở đây không hề có biển báo hay chỉ dẫn nào, trong khoảng hơn 12 km từ Phố Nối tới đầu đường cao tốc, người lái xe buộc phải hỏi mỗi khi tới các ngã rẽ.

 

Đoạn đường dẫn vào cao tốc không có rào chắn và còn ngổn ngang với nhiều phương tiện, công nhân đang thi công.

Đi qua cầu vượt trên hình là tới đường rẽ vào cao tốc nhưng không hề có biển chỉ dẫn
Đường vào (mũi tên vàng) đang được thi công với nhiều xe tải nặng, xe công-te-nơ đi ngược nhiều khá nguy hiểm
Đường dẫn vào không có rào chắn và đang được thi công
Công nhân, máy móc vẫn đang hoạt động để hoàn thiện công trình

Thêm vào đó, nhiều đoạn đường cũng chưa được trang bị đèn chiếu sáng. Việc lưu thông qua những đoạn đường này, với tốc độ cho phép là 120 km/h vào buổi tối có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Mặc dù mặt đường phẳng, đẹp nhưng  không thực sự nhẵn mịn, có thể giúp tăng độ bám đường nhưng không mang lại cảm giác êm ái cho xe như những tuyến cao tốc khác. So với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, mặt đường của tuyến Hà Nội - Hải Phòng có độ nhám cao hơn khá nhiều.

Nhiều đoạn của tuyến đường không hề có đèn đường

Đoạn đường dài 75 km có 2 điểm thoát ở giữa bao gồm lối ra Quốc lộ 10 đi Thái Bình (cách đầu Hải Phòng 22 km) và lối ra Quốc lộ 35B đi Thanh Miện, Hải Dương (cách đầu Hải Phòng 46 km). Tuy nhiên, chưa có một trạm xăng hay điểm dừng nghỉ, cứu hộ nào.
Biển báo trạm dừng nghỉ, đổ xăng nhưng thực tế tất cả các trạm dừng nghỉ đều mới chỉ đang tập kết vật liệu chờ xây dựng
Các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này sẽ hầu như không thể kêu gọi một sự cứu hộ nào nếu gặp trục trặc. Hai bên đường hầu hết là cánh đồng lúa, cách rất xa khu dân cư, trong khi số điện thoại cứu hộ, theo thử nghiệm thì chưa thể liên lạc được.
Một chiếc xe hỏng giữa đường

Thêm phần rắc rối hơn cho người lưu thông trên đường đó là hệ thống đường dẫn ra vào ở đầu Hải Phòng khá phức tạp nhưng lại thiếu biển chỉ dẫn, thiếu nhân viên hỗ trợ. Có tới 2 trạm thu phí ở đầu Hải Phòng (khi đi từ Hải Phòng tới cao tốc) được dựng lên nối tiếp nhau nhưng 1 trạm không có nhân viên thu phí, khiến nhiều phương tiện cho rằng đây không phải đường ra.

Lực lượng chức năng cũng chưa triển khai làm việc, kiểm soát và điều hành giao thông khiến cho việc lưu thông trên tuyến cao tốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên đường hiện tại còn nhiều xe tải với tải trọng lớn lưu thông với tốc độ chậm, dàn hàng ngang gây cản trở nhiều tới các xe con lưu thông với tốc độ lớn hơn. Ngoài ra, việc dừng, đỗ của các phương tiện cũng hoàn toàn không có kiểm soát.

Một cổng thu phí không có rào chắn hay nhân viên hướng dẫn
Một đầu kéo công-te-nơ dừng.... nghỉ ngay ở làn có vận tốc 120 km/h
Hiện tại, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đi vào khai thác 75/105 km của toàn tuyến. Với đoạn đường 75 km và mức phí 1.500 đồng/km, chi phí để sử dụng đoạn cao tốc này là khoảng 112 nghìn đồng. Tuy nhiên, đơn vị khai thác hiện đang "khuyến mại" cho đoạn đường từ Phố Nối đến Quốc lộ 10, do đó, mức phí hiện tại chỉ là 35 nghìn đồng.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ bắt đầu thu phí toàn đoạn 75km từ 30/10 tới với mức phí cao nhất là 600.000 đồng. Dự kiến, cuối năm 2015, toàn tuyến sẽ được thông xe, giúp giải tỏa giao thông cho tuyến đường 5 vốn đã cũ kỹ, xuống cấp và không phục vụ được nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng giữa 2 thành phố lớn của miền Bắc.

Tư Quảng