Ông đánh giá và dự báo như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm và đặc biệt là trong năm 2022, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro cụ thể nào có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế?
2021 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Trong khi đó, năm 2022 lại là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Áp lực tăng trưởng dồn vào 4 năm tới là rất lớn khi phải đạt mức tăng trưởng trung bình 7-7,5%/năm, trong đó, nền kinh tế sẽ phải tăng tốc rất nhanh trong 3 năm từ 2022-2024.
Vì vậy, muốn phục hồi và đạt được mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đề ra, kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để có tăng trưởng. Tuy nhiên nếu không tính toán kỹ lưỡng, các giải pháp chống dịch có thể ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Điều đáng mừng là Chính phủ đang chỉ đạo áp dụng rất tốt các biện pháp bảo đảm mục tiêu “kép” giữa khống chế dịch và phục hồi tăng trưởng.
Về những rủi ro sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 có thể thấy dịch Covid-19 có thể tiếp tục xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021 cũng làm gia tăng rủi ro trong tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn có nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, rủi ro về lạm phát, thiên tai, biến đổi khí hậu cũng luôn tiềm ẩn.
Có ý kiến cho rằng, trong năm 2022, chúng ta sẽ phải đối mặt với sức ép lạm phát, ông có quan điểm ra sao về điều này?
Đúng là mặc dù lạm phát đang ở mức thấp, nhưng xu thế tăng vẫn hiện hữu. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ giảm giá một số dịch vụ (điện, nước, giáo dục...) đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, nhưng những giải pháp đó sẽ không thể duy trì mãi. Trong khi đó giá xăng dầu, nguyên vật liệu đều đã và đang tăng.
Tuy nhiên, theo tôi rủi ro về lạm phát sẽ chỉ tồn tại trong quý 4/2021, bước sang năm 2022 mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là không quá đáng lo. Bởi kinh tế thế giới đang dần phục hồi kéo theo đó là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng phục hồi, điều này sẽ tạo dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.
Theo ông, Việt Nam cần thực hiện những chính sách gì để thích ứng nhanh để không lỡ đà phục hồi trong năm 2022?
Để có phản ứng chính sách tốt ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, phải nhận diện đúng và rõ điểm yếu của các yếu tố. Đã đến lúc các địa phương phải nhận thức cho đúng bản chất dịch bệnh để thoát khỏi tâm lý sợ hãi quá mức, thoát ra khỏi tâm lý “an toàn địa phương” quá đà, đi ngược lại với yêu cầu vận hành không bị chia cắt hành chính của nền kinh tế thị trường. Cần đặt các biện pháp tăng trưởng kinh tế của từng địa phương trong chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực nội tại cũng như tính tự chủ của nền kinh tế. Từ đó, có những biện pháp thích ứng linh hoạt với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai và môi trường quốc tế phức tạp.
Tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào chiến lược tiêm vắc xin, nên cần đẩy nhanh tiến độ và quy mô tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, từ đó đưa nền kinh tế trở về trạng thái lưu thông được hàng hóa cũng như con người.
Nhìn từ số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, từ góc độ chuyên gia, ông có kiến nghị, đề xuất gì để doanh nghiệp sớm vượt qua được đại dịch?
Đây là giai đoạn quan trọng, cần triển khai nhiều biện pháp mạnh tay để hỗ trợ doanh nghiệp. Những giải pháp này đòi hỏi phải sớm đến được “tay” doanh nghiệp và phải rất thiết thực.
Để làm được điều này, trước tiên quan điểm trong hỗ trợ là phải giúp doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch, rồi từ đó mới gượng dậy được. Muốn như vậy thì các giải pháp phải mang tính chất đồng bộ, các biện pháp hỗ trợ phải giảm tải được chi phí, giảm tải khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về mặt tín dụng, cần xây dựng thêm các gói tín dụng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn, với chi phí vốn thấp nhất, lãi tiền vay thấp nhất. Bởi các ngân hàng cũng phải kinh doanh, cho nên khâu này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giải quyết hài hòa giữa 2 nhóm doanh nghiệp – đó là nhóm doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ (ngân hàng) và nhóm sử dụng tiền tệ. Đặc biệt, điều mà doanh nghiệp cần nhất bây giờ chính là một gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với điều kiện thụ hưởng đơn giản và đúng đối tượng.
Cũng cần nói thêm, giai đoạn vừa qua, Nhà nước đã rất nỗ lực tìm và triển khai các giải pháp, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Nhưng trong điều kiện Nhà nước chưa thực sự dư dả và còn phải chi cho nhiều thứ nên việc huy động nhiều nguồn lực xã hội hướng về doanh nghiệp và người lao động là rất cần thiết. Ví dụ các nguồn lực giúp cho người lao động của doanh nghiệp thì cũng chính là góp phần giúp cho các doanh nghiệp duy trì, giữ được vị trí việc làm cho người lao động. Để sau khi chúng ta đã khống chế được dịch thì các doanh nghiệp đó không “vấp” phải tình trạng thiếu hụt lao động và có thể bắt nhịp ngay vào sản xuất.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn: haiquanonline/Xuân Thảo