Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Kinh tế duy trì tăng trưởng

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin - so với Nghị quyết Quốc hội, năm 2016, đã có 11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21% (thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 6,7%) và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 9% (thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 10%).

Trong 4 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều cải thiện so với quý I/2017. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Nhiều chỉ tiêu của kinh tế đạt khá như sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực so với quý I cả ở công nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp (DN) tiếp tục được cải thiện… Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế… đều có những chuyển biến tích cực.

Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành trong việc tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp cụ thể, trong đó đã hun đúc tinh thần sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân trong việc nỗ lực phát triển kinh tế.

“Sản xuất nông nghiệp đã tăng trưởng dương trong khi năm 2016, nước ta phải chịu nhiều thiên tai và biến đổi khí hậu. Xuất siêu được duy trì nhằm đảm bản cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế… Đó là những yếu tố quan trọng duy trì sự tăng trưởng ổn định của kinh tế - xã hội” – ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng nền kinh tế trong thời gian qua cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là hàng loạt các loại nông sản đã phải kêu gọi “giải cứu”.

Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong báo cáo trình thường vụ Quốc hội lần này, Chính phủ chưa có đánh giá, tính toán tác động của việc rớt giá thịt heo vừa qua đã tác động giảm tới GDP bao nhiêu, trong khi đó là mất mát lớn mà người dân phải gánh chịu.

Đồng ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc "giải cứu" các loại nông sản như dưa hấu, thịt heo...  là đương nhiên vì nông dân khó khăn thì Chính phủ không thể làm ngơ. Tuy nhiên, nếu quá nhiều vấn đề cần "giải cứu" thì cần xem lại tầm vĩ mô quản lý đã đúng chưa. Khâu dự báo đã làm tốt chưa? Nếu tốt, tại sao lại phải “giải cứu” nhiều mặt hàng như vậy?

Sự việc tại Đồng Tâm (Mỹ Đức - Hà Nội) cũng được nhắc đến tương đối nhiều trong ngày đầu tiên diễn ra phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thẳng thắn, sự việc xảy ra tại Đồng Tâm cho thấy việc quản lý đất đai còn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Phải có hệ thống quản lý chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở, phải làm cho dân thấy chính sách của ta có trách nhiệm với dân.

Những yếu tố rủi ro kể trên là một phần nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế thời gian qua chưa thực sự bền vững. Mức tăng trưởng kinh tế quý I năm nay ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế thì mục tiêu này rất khó thực hiện. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.

Kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Kiến nghị các giải pháp tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rằng, thời gian tới, một mặt, tiếp tục tập trung rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết khác của Chính phủ. Mặt khác, cần duy trì và phát huy tính năng động, sẵn sàng vào cuộc nhằm thúc đẩy tăng trưởng của ngành, địa phương mình, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cụ thể, nhóm giải pháp dài hạn, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô; Triển khai nhanh, quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước; Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và FDI… Bên cạnh đó, nhóm giải pháp ngắn hạn cần tập trung vào các giải pháp như thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước; Khẩn trương rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động; tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để các dự án đã đăng ký nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.

Góp ý về những giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong thời tới, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh 4 giải pháp. Thứ nhất là nhanh chóng cụ thể hóa bước đầu kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy kinh tế tư nhân. Thứ hai, sớm nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung những chính sách mở rộng quyền giao đất. Thứ ba, đánh giá thực chất về tình hình phát triển DN, tìm ra nguyên nhân khiến nhiều DN phá sản, đóng cửa, từ đó khắc phục. Thứ tư, nghiên cứu triển khai Đề án kê khai thuế điện tử để tạo sự công bằng cho DN trong vấn đề nộp thuế. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay, thời gian qua, số DN thành lập mới tương đối nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Trong đó DN FDI xuất khẩu lớn nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế do được ưu đãi nhiều. Trong khi DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn ưu đãi. Do đó, cần có đánh giá kĩ thêm để tạo dựng những chính sách “đòn bẩy” cho DN trong nước trong những tháng còn lại của năm 2017 và những năm tiếp theo.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng - cho rằng, Chính phủ phải đánh giá và quan tâm hơn tới thị trường trong nước. Nếu quản lý chặt hơn thị trường trong nước, giảm được chi phí phân phối lưu thông, giúp các loại nông sản không còn rơi vào tình trạng “giải cứu”.

Nguồn: baocongthuong.com.vn