Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý 1/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa dừng lại, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia đã tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới. Các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu như lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu của Nga; OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; dự trữ dầu và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng mạnh; Trung Quốc chính thức gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh và triển vọng tiêu thụ dầu tích cực tại nước này.
Trước bối cảnh đó, tình hình lạm phát thế giới trong những tháng đầu năm 2023 tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 02/2023 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 6% và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 02/2023 của Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 3,8%; Hàn Quốc tăng 4,8%; Indonesia tăng 5,5%; Philippines tăng 8,6%; Lào tăng 41,3%. So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ với tỷ giá ổn định và lãi suất đang có xu hướng giảm. Trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hàng năm, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Theo Tổng cục Thống kê giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý 1/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.
Về lạm phát, lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý 1/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Bên cạnh đó, trong quý 1/2023, giá hàng hóa trên thị trường thế giới chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước và xung đột quân sự Nga – Ucraina. Đồng thời nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lạm phát thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt tuy nhiên vẫn ở mức cao. Trong nước, nhu cầu sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ tết Nguyên đán và giá nguyên liệu đầu vào đã đẩy giá sản xuất tăng lên. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý 1 năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm theo thị trường thế giới.
Đánh giá về tình hình lạm phát trong quý 1, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Nguyễn Thu Oanh (Tổng cục Thống kê) cho biết, lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng tăng 5,01% là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do quý 1/2022 dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó, quý 1/2023 dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trong tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước, nên giá cả hàng hoá năm nay cũng tăng cao.
“Tuy lạm phát cơ bản tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng đang có xu hướng giảm dần. Để hạn chế xu hướng tăng cao trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành theo dõi sát giá cả thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo nguồn cung và giá cả trong nước Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và linh hoạt trong công tác điều hành tỷ giá, giữ ổn định thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân đặc biệt là các hàng hoá thiết yếu, tránh đầu cơ găm giá, chủ động tìm kiém các nguồn hàng thay thế tránh xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung”, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết thêm.

Nguồn: Haiquanonline