Nông sản chế biến chỉ 20-30%
Theo Bộ NN&PTNT, 5 năm qua, XK nông, lâm, thuỷ sản đã có bước tiến tăng vọt từ 30,14 tỷ USD năm 2015 lên 41,25 tỷ USD năm 2020. 4 tháng đầu năm nay, XK toàn ngành tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực với tổng trị giá 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có trị giá XK tăng gồm: Cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra…
Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nêu rõ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới. Trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Là nước XK nông sản hàng đầu thế, song khâu chế biến nông, lâm, thuỷ sản hiện còn tồn tại không ít bất cập. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước hiện có 7.500 DN chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với XK và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ước mỗi năm, khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, đáng chú ý là quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh; tổn thất sau thu hoạch còn cao. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.
Cà phê là một trong những ngành hàng nông sản điển hình có sản lượng XK đứng “top” đầu thế giới song trị giá thu về chưa tương xứng tiềm năng. Số liệu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nêu rõ, Việt Nam đã XK cà phê đến hơn 80 thị trường trên thế giới với tổng sản lượng XK hàng năm đạt khoảng 11,6 - 11,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, trị giá XK cà phê của Việt Nam vẫn ở mức thấp do cà phê nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra con số đong đếm, so sánh tổng quát: Hiện nay, nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến để XK. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) gần 80% nông sản qua chế biến mới bán ra thị trường. “Ngành nông nghiệp Việt Nam phải so sánh hai con số đó để có phương hướng phát triển, tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh được mùa rớt giá. Khả năng chế biến nông sản trong nước rất lớn. Vấn đề là Nhà nước và DN bắt tay kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản”, “Tư lệnh” ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Còn nhiều dư địa phát triển
Hiện, Việt Nam xếp thứ 17 về XK nông, lâm, thủy sản trên thế giới. Dù vậy, kim ngạch XK năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD cũng mới chiếm 1,95% trị giá NK nông, lâm, thuỷ sản toàn thế giới. Bộ NN&PTNT nhận định, thị trường thế giới với 7,8 tỷ người (số liệu tháng 9/2020) với nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thủy sản rất lớn, sẽ còn nhiều dư địa để Việt Nam phát triển.
Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, nhiều khó khăn trong logistics như hiện nay, đẩy mạnh chế biến sâu các mặt hàng nông, thuỷ sản để hạn chế những tác động khách quan từ chi phí, thời gian vận chuyển hàng hoá, nâng cao giá trị giá tăng hàng XK là một trong những hướng quan trọng giúp từng bước nâng cao trị giá XK nông, lâm, thuỷ sản nói chung.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Viacofa) chia sẻ, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong những năm qua. Ngoài XK cà phê nhân, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh khâu chế biến và XK cà phê rang xay, hòa tan. Hiện, tỷ trọng XK cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam đã tăng lên mức 12% tổng kim ngạch XK cà phê. “Tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng được xem là giải pháp chiến lược để phát triển bền vững ngành cà phê ở cả thị trường nội địa và XK thời gian tới”, ông Tự nói.
Ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, để thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản trong thời gian tới một cách hiệu quả, cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp tập trung vào giá trị gia tăng; xác lập tư duy thị trường để thích ứng bối cảnh thị trường; đổi mới trong từng công đoạn, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông sản; xây dựng hệ thống cung ứng nông sản dựa trên nền tảng logistics hiện đại tại Việt Nam; tìm thêm thành tố mới, dư địa mới để gia tăng giá trị nông sản đồng thời liên kết tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản đồng bộ, hiện đại...

Nguồn: haiquanonline.com.vn