Tổng Giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) Lê Hải Trà vừa gửi đi công văn về việc ngừng giao dịch phiên chiều 1/6. Lý do mà ông Trà đưa ra là: Trong buổi sáng, giá trị giao dịch chứng khoán tại HOSE vượt mức 21.700 tỷ đồng, gây báo động đối với an toàn của hệ thống.
Thực tế trong sáng nay, HOSE ghi nhận tổng giá trị giao dịch 21.762 tỷ, trong đó khớp lệnh là 20.996 tỷ, thỏa thuận khoảng 766 tỷ.
Theo thống kê từ Algo Platform, giá trị khớp lệnh trong sáng nay tăng khoảng 14% so với sáng hôm qua (31/5), lớn hơn 25,5% so với trung bình các buổi sáng một tuần gần đây, tăng 42,5% so với trung bình buổi sáng hai tuần và nhảy vọt tới 60% so với trung bình phiên sáng một tháng qua.

Thanh khoản sáng 1/6 khủng tới đâu mà khiến HOSE đóng cửa giữa chừng? - Ảnh 2. Thanh khoản khớp lệnh sáng 1/6 tăng vọt, thể hiện qua việc các cột màu xanh cao hơn hẳn các đường màu xanh, đỏ. Nhiều cột có chiều cao bằng nhau vì hệ thống HOSE bị đơ, thanh khoản không tăng theo thời gian.

Thậm chí, giá trị khớp lệnh sáng 1/6/2021 còn lớn hơn thanh khoản cả ngày của hầu hết các phiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước tháng 5/2021, HOSE chưa từng có phiên nào khớp lệnh tới 20.996 tỷ.
Trong tháng 5 vừa qua, HOSE ghi nhận 4 phiên là 24, 27, 28 và 31/5 có giá trị khớp lệnh lớn hơn mức của sáng 1/6. Xin nhắc lại rằng, đây là so sánh giữa cả ngày trong quá khứ với riêng buổi sáng 1/6. Nếu chỉ tính buổi sáng thì 1/6 là vô địch.

Sàn HOSE bắt đầu ghi nhận tình trạng đơ, lag từ tháng 12/2020. Suốt một thời gian dài, hệ thống chỉ khớp lệnh được khoảng 13.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên dù nhu cầu mua bán của nhà đầu tư vẫn còn. Hệ thống chỉ chạy mượt vào buổi sáng, đến khoảng 14h chiều là đơ.

Tới 12/4/2021, tức là 4 tháng sau khi tình trạng quá tải bắt đầu xuất hiện, HOSE cho biết đơn vị này đã có một số cải tiến về mặt kỹ thuật giúp nâng cao năng lực xử lý lệnh của hệ thống, nhờ vậy mà lần đầu tiên HOSE có phiên khớp lệnh hơn 19.000 tỷ. Sang ngày hôm sau 13/4, HOSE khớp lệnh kỷ lục trên 20.000 tỷ, tình trạng tắc nghẽn ít khi xuất hiện.
Trong tháng 5, thanh khoản lại lên một tầm cao mới khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở Việt Nam, nhiều người tham gia thị trường chứng khoán trong thời kỳ giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người.
Trung bình mỗi phiên trong tháng 5, HOSE ghi nhận hơn 700 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị tương ứng hơn 21.900 tỷ đồng.
Bình quân 5 tháng đầu năm nay, khối lượng và giá trị giao dịch mỗi phiên lần lượt là 678 triệu đơn vị và 17.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 171% và 93% so với trung bình cả năm 2020.
Phiên sáng nay 1/6 có khối lượng giao dịch thấp hơn mức trung bình của tháng 5 nhưng giá trị mua bán cao hơn hẳn bình quân lịch sử.

Thanh khoản sáng 1/6 khủng tới đâu mà khiến HOSE đóng cửa giữa chừng? - Ảnh 4.

  Năng lực hệ thống của HOSE dường như vẫn là nút thắt lớn nhất đối với quy mô giao dịch của nhà đầu tư.

Tại một buổi làm việc vào ngày 9/3, Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT cùng nhận định rằng giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, dự kiến mất 3-4 tháng để triển khai và xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh ở HOSE.
Đã gần ba tháng trôi qua, thanh khoản ngày một tăng lên nhưng căn bệnh đơ, lag ở HOSE vẫn còn dai dẳng. Nhiều nhà đầu tư chán nản đã chuyển sang rót tiền vào các cổ phiếu ở HNX, UPCoM.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/