Từ “diều hâu”, sang “bồ câu”
Kỳ vọng được nhiều nhà kinh doanh đặt ra đầu năm 2024 chính là động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ chuyển từ “diều hâu” sang “bồ câu”. Cụ thể là chính sách của các ngân hàng trung ương - đặc biệt là FED - từ trạng thái rất cứng rắn kéo dài suốt gần năm sang chính sách mềm mỏng có thể sẽ xuất hiện từ 2024.
Động thái về chính sách của FED được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đối diện với nhiều biến cố cả về mặt xã hội, kinh tế và chính trị.
Sự ảnh hưởng của hậu Covid-19 vẫn tác động đến các nền kinh tế, trong đó lượng tiền cứu trợ Covid-19 được các chính phủ bơm vào nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra, là một trong những yếu tố xuất hiện lạm phát. Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine cũng gây áp lực lên giá hàng hóa và năng lượng tăng cao do thiếu hụt nguồn cung…
Lãi suất và vàng trong trạng thái bấp bênh không chắc chắn
Mặc dù giới tài chính đều dự báo và đặt ra kỳ vọng về chu kỳ lãi suất giảm trong năm 2024 nhưng yếu tố này cũng chỉ là dự đoán và chưa có gì chắc chắn về thời điểm FED sẽ thực hiện việc này.
Các phát biểu của quan chức FED khẳng định đơn vị này chỉ cắt giảm lãi suất khi có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và lạm phát hạ nhiệt. Trong khi đó, giá vàng cũng sẽ biến động theo động thái thực tế của chính sách lãi suất, ngoài ra còn có khá nhiều yếu tố tác động đến kim loại quý này.
Nhìn lại năm 2023, hồi đầu năm, giá vàng từng lên cao do khủng hoảng ngân hàng địa phương tại Mỹ, đến tháng 10, vàng giảm xuống gần mức 1.800 USD/ounce, song đã nhanh chóng tăng trở lại nhờ lực cầu trú ẩn an toàn từ cuộc xung đột Hamas - Israel.
Tại Mỹ, lạm phát ngày càng tăng cao trong năm 2021 và tiếp tục kéo dài trong năm 2022, với mức đỉnh có lúc lên hơn 9% trong năm 2022. Trong bối cảnh này, FED đã thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian dài. Cụ thể trong suốt gần 2 năm qua, thị trường tài chính toàn cầu luôn luôn trong tâm trạng căng thẳng bởi các đợt tăng lãi suất không ngừng nghỉ của FED, tổng số lần tăng trong 2022 - 2023 là 11 lần.
Thái độ quyết liệt của FED về chính sách lãi suất đã có những tác động rõ ràng, khi chỉ số lạm phát ở quốc gia này đã đi vào xu hướng hạ nhiệt dần từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023.
Tuy nhiên, liều thuốc nào cũng có thể có những phản ứng phụ và một trong những phản ứng phụ của chính sách tiền tệ thắt chặt của FED đã làm “nghẹt thở” một số tổ chức tài chính. Đỉnh điểm là sự cố phá sản xảy ra với diễn ra tại Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và sau đó là một số ngân hàng khác của Mỹ.
Hiệu ứng không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà còn lan truyền sang châu Âu, trong đó dẫn đến việc ngân hàng danh tiếng và có bề dày lịch tới tới 167 năm của Thụy Sỹ là Credit Suisse cũng buộc phải bị mua lại bởi Ngân hàng UBS.
Đổ vỡ của SVB liên quan trực tiếp đến chính những rủi ro biến động của lãi suất và sự kiện này làm ngỡ ngàng giới tài chính bởi nó là một minh chứng cho thấy ngay cả với những tài sản vốn được coi là không có rủi ro cũng vẫn có thể có rủi ro.
Chẳng hạn như với SVB, những khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ, vốn luôn được định giá hệ số rủi ro bằng 0, đến nay cho dù điều đó vẫn đúng, nhưng không phải ở mọi góc độ. Trái phiếu Chính phủ Mỹ, với uy tín và năng lực tài chính của Chính phủ Mỹ thì rõ ràng không thể có rủi ro tổ chức phát hành “quỵt nợ” trái phiếu. Tuy nhiên, rủi ro khác lại vẫn xảy ra và nó đã xảy ra với SBV khi trái phiếu liên tục giảm giá trong môi trường lãi suất mỗi ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, những động thái của FED từ giai đoạn cuối năm 2023 đã cho thấy thái độ bớt “diều hâu” hơn, thể hiện là cơ quan này đã giữ nguyên lãi suất điều hành trong 3 cuộc họp gần đây. Một trong những lý do khiến FED có thái độ ôn hòa hơn về chính sách lãi suất là do tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt trong những tháng cuối năm 2023.
Động thái của FED được dự báo sẽ chuyển từ chính sách “diều hâu” kéo dài gần 2 năm sang chính sách “bồ câu” có thể sẽ xuất hiện từ năm 2024 và các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát và lãi suất của Mỹ đều sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. Công cụ FED Watch dự báo lãi suất của FED đưa tỷ lệ khả năng 64% lãi suất của Mỹ sẽ giảm xuống 5-5,25% vào tháng 3/2024. Tỷ lệ này cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ dự báo 31,9% về việc FED vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% vào thời điểm này.
Vòng quay tiền vàng
Những kỳ vọng về chính sách “bồ câu” của FED cũng không hoàn toàn tạo ra một sự yên ả cho thị trường tài chính quốc tế mà cơn sóng từ trạng thái này chuyển dịch sang trạng thái khác. Một trong những sóng gió mới nổi diễn ra trên thị trường tài chính toàn cầu là những tín hiệu “nổi dậy” của thị trường vàng.
Những dự báo về lãi suất đồng USD giảm dẫn đến xu hướng chuyển dịch dự trữ USD sang dự trữ vàng. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc của AFA Capital cho biết, ngay cả các ngân hàng trung ương của một số quốc gia cũng tăng dự trữ vàng thay vì đồng USD như trước đây.
Một trong những tín hiệu cho thấy xu hướng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD không còn được ưa chuộng như trước đây là sự giảm giá của đồng tiền này trong giai đoạn cuối năm 2023. Theo đó, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD sau khi đạt đỉnh hơn 106 điểm vào cuối tháng 10/2023 đã quay đầu giảm có lúc về mức chỉ hơn 100 điểm. Đầu năm 2024, chỉ số này có chút tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn ở mặt bằng thấp chỉ khoảng hơn 102 điểm.
Diễn biến giá vàng trong thời gian tới đang tiếp tục là ẩn số. Ảnh minh họa
Những biến động của đồng USD đã có ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng thế giới, đặc biệt đầu tháng 12/2023, vàng có lúc tăng dựng đứng đạt đỉnh 2.135 USD/ounce. Mặc dù vậy, giá vàng sau đó đã điều chỉnh giảm và đến đầu tháng 1/2024 chỉ còn quanh mốc 2.040 USD/ounce.
Diễn biến giá vàng trong thời gian tới đang tiếp tục là ẩn số bởi có khá nhiều yếu tố khác nhau có thể tác động lên giá của kim loại quý này. Một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng giai đoạn đầu tháng 1/2024 giảm vì đồng USD đã hồi phục chút ít. Ngoài ra, ông Ole Hansen, người đứng đầu Phòng Chiến lược hàng hóa của Saxo Bank cho biết, vàng đang giảm do dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến đã khiến lợi suất trái phiếu tăng và kỳ vọng hạ lãi suất của Mỹ thấp hơn.
Các chuyên gia tài chính cho biết, giá vàng không chỉ phụ thuộc vào động thái của FED, cũng như biến động của đồng USD. Kim loại quý này còn tỏ ra khá nhạy cảm với các biến động chính trị, đặc biệt là các rủi ro xung đột vũ trang tương tự như cuộc chiến Hamas - Israel nổ ra năm 2023 đã làm cho giá vàng có giai đoạn bùng nổ sau đó. Phân tích về một trong những nguyên nhân có thể tác động giá vàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, xung đột địa chính trị trên thế giới nếu vẫn tiếp diễn thì vàng trở thành một kênh trú ẩn tài chính an toàn hơn các kênh đầu tư khác.