Bitcoin - đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đã khởi đầu năm 2021 khá thuận lợi và đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 65.000 USD vào tháng 4. Tuy nhiên sau đó Bitcoin đã quay đầu lao dốc mạnh và khép lại nửa đầu năm với mức giá thấp hơn tới 47% so với mức kỷ lục của tháng 4. Thậm chí theo các nhà phân tích, đồng tiền ảo này có thể còn giảm tiếp khi nó đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn.
Theo các nhà phân tích, rủi ro lớn nhất đối với Bitcoin hiện nay là động thái siết chặt kiểm soát của nhiều quốc gia. Đơn cử trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã đóng cửa các hoạt động khai thác tiền ảo tiêu tốn nhiều năng lượng; đồng thời yêu cầu các ngân hàng và công ty thanh toán lớn như Alipay không được kinh doanh với các công ty tiền ảo.
Làn sóng thắt chặt kiểm soát trên toàn cầu cũng đã lan sang Vương quốc Anh vào tuần trước đó, khi mà các nhà quản lý của Anh cũng siết chặt kiểm soát đối với sàn giao dịch tiền ảo Binance. Tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và các quan chức khác gần đây đã lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng tiền ảo cho các giao dịch bất hợp pháp.
“Chúng tôi đã cảnh báo từ lâu rằng việc thay đổi tâm lý nhà đầu tư hoặc các cuộc trấn áp của các cơ quan quản lý có thể làm vỡ bong bóng thị trường tiền ảo”, UBS đã viết trong một lưu ý.
Một rủi ro lớn khác là giá Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác thường xuyên biến động mạnh. Chẳng hạn Bitcoin đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là khoảng 64.829 USD vào tháng 4 năm nay để rồi sau đó lại lao dốc xuống mức thấp nhất là 28.911 USD vào tháng 6, dù hiện đã tăng trở lại trên 34.000 USD.
“Nguồn cung hạn chế và kém co giãn của các loại tiền ảo có thể làm trầm trọng thêm sự biến động”, UBS cho biết và nhấn thêm rằng: Do việc sử dụng các đồng tiền ảo trong thế giới thực là rất hạn chế và sự biến động giá bất thường cho thấy “những người mua chủ yếu là tìm kiếm lợi nhuận thông qua đầu cơ”.
Tuy nhiên theo Ross Middleton - Giám đốc tài chính của nền tảng tài chính phi tập trung DeversiFi, sự biến động liên tục của giá tiền ảo có thể khiến một số nhà đầu tư nản lòng.
Trong khi đó những lo ngại về tác động xấu của Bitcoin đối với môi trường có thể là một rủi ro lớn khác đối với thị trường tiền ảo. Trên thực tế các máy đào Bitcoin tiêu tốn rất nhiều điện năng và mức tiêu thụ năng lượng của Bitcoin đã tăng đáng kể trong những năm qua. Các nhà phê bình Bitcoin từ lâu đã cảnh báo về lượng khí thải carbon khổng lồ của nó và Elon Musk - CEO của Tesla đã đưa vấn đề này trở thành tiêu điểm trong năm nay.
Theo đó, sau khi mua vào 1,5 tỷ USD loại tiền ảo này và chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo, Musk đã khiến thị trường tiền ảo rúng động khi quyết định tạm dừng thanh toán bằng Bitcoin do việc sử dụng năng lượng “điên rồ” của đồng tiền ảo này.
Theo các nhà phân tích của Citi, động thái này “có thể ngăn cản một số nhà đầu tư nắm giữ Bitcoin” và nó cũng có thể “thúc đẩy sự can thiệp của chính phủ trong việc cấm khai thác tiền ảo, như đã thấy ở Trung Quốc”.
Không chỉ các đồng tiền ảo như Bitcoin, ngay cả các đồng tiền mã hóa dạng stablecoin (có giá được gắn với tài sản trong thế giới thực như USD) cũng đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều và ngày càng chặt chẽ hơn. Tuần trước, Eric Rosengren - Chủ tịch Fed Boston cho biết, Tether - một đồng tiền ảo dạng stablecoin được xếp trong số các loại tiền ảo lớn nhất thế giới - là một rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.
Mặc dù Tether khẳng định rằng mỗi token của nó được đảm bảo 1:1 bằng USD, song không ít người lo ngại, nhà phát hành của Tether không có đủ USD dự trữ để neo giữ giá của nó theo USD. Vào tháng 5, công ty đứng đằng sau Tether đã tiết lộ rằng, chỉ khoảng 76% lượng tiền ảo này đang lưu hành được hỗ trợ bởi tiền và các khoản tương đương tiền - nhưng chỉ dưới 4% trong số đó là tiền mặt thực tế, trong khi khoảng 65% là thương phiếu, một dạng nợ ngắn hạn.
Từ lâu đã có những lo ngại về việc liệu Tether có được sử dụng để thao túng giá Bitcoin hay không khi một nghiên cứu tuyên bố rằng Tether đã được sử dụng để hỗ trợ Bitcoin trong những đợt giảm giá. “Tether là một vấn đề lớn”, Carol Alexander - Giáo sư tài chính tại Đại học Sussex nói với CNBC.
Một mối quan ngại khác là các trò lừa đảo liên tục xuất hiện trên thị trường tiền ảo. “Với một số đồng tiền meme (các đồng tiền ảo nổi lên nhờ ăn theo các hiện tượng mạng xã hội) nhất định, chúng tôi đã chứng kiến nhiều hoạt động bơm, bán phá giá và đã chứng kiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiêu rụi”, Simon Yu - nhà đồng sáng lập kiêm CEO của start-up tiền ảo StormX cho biết.
Thế nhưng theo vị này, đó chính là lúc các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc và nếu mọi thứ được quản lý chặt đến một mức độ nào đó, “như chúng ta đã thấy với năm 2018 và hoạt động ICO (phát hành tiền ảo ban đầu), toàn bộ ngành công nghiệp có thể bị ảnh hưởng tiêu cực”.