Theo đó, đại diện CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh đánh giá TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã có nhiều sáng kiến cải cách thủ tục hành chính như thuế, BHXH, xây dựng.

Ngoài ra bà nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp tại hai địa phương này cũng đánh giá cao nỗ lực cải cách, và ghi nhận những chuyển biến tích cực trong thủ tục hành chính liên quan đến những lĩnh vực trên.

Cụ thể, tại Đồng Nai, Cơ quan BHXH địa phương này đã thay thế mô hình cũ bằng việc cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ BHXH qua dịch vụ bưu chính. Với phương pháp mới này, hiện tượng doanh nghiệp tuần hai lần đến cơ quan bảo hiểm xã hội, và chờ đợi hàng tiếng để nộp hồ sơ, nay đã không còn.

Việc nộp hồ sơ và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính doanh nghiệp cũng không phải trả phí. Cơ quan BHXH Đồng Nai cũng tiến hành xây dựng phần mèm kê khai điện tử về BHXH, bên cạnh tổ chức đối thoại tư vấn chính sách tại cơ sở và phối hợp với Báo Đồng Nai, Đài PHTH Đồng Nai tuyên truyền tới các nhân dân.

Báo cáo gửi CIEM cho thấy, tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử địa phương này đạt 99,7% tương đương 5.523 đơn vị. Tổng số đơn vị đăng ký nộp và nhận kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện là gần 4.200 trên tổng số 5.5039 đơn vị.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, đên nay đã có gần 18.250 doanh nghiệp nộp tờ khai qua mạng (chiếm 30%) trong đó 1.632 đơn vị kê khai điện tử. Từ ngày 1/10, các doanh nghiệp địa phương này có thể sử dụng chữ ký số có sẵn để thực hiện thủ tục kê khai điện tử.

BHXH địa phương này đã phối hợp với các cơ quan liên quan, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp nhằm giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, báo cáo CIEM cũng cho thấy, đối lập vói hai địa phương này, thì các địa phương khác như Hải Phòng, Hà Nội vẫn chưa cho thấy sự quyết tâm thực hiện cải cách. Tại Hải Phòng, một số doanh nghiệp nhận xét thủ tục hành chính trong thu, chi BH chưa có gì thay đổi, hay không quá 10%.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định, sự thành công của thực hiện cải cách ngoài sự phối hợp cần có sự quyết tâm lớn từ cơ quan quản lý, có như vậy “mới tạo được lòng tin cho doanh nghiệp”.

Nghị quyết 19 năm 2015 được Chính phủ đưa ra vào hồi tháng 3 đầu năm, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm,  các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippins, Indonesia và Brunei).

Những chỉ tiêu này được dựa trên 10 chỉ tiêu mà Ngân hàng Thế giới đưa ra trong đó có chỉ tiêu về nộp thuế và bảo hiểm xã hội.

Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian nộp BHXH từ 335h/năm xuống còn 49,5h/năm. Xét trên phạm vi cả nước, mặc dù thời gian nộp BHXH tuy giảm nhiều song vẫn chưa đạt được mục tiêu như yêu cầu đề ra.

Đức Anh