Thị trường chứng khoán có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với giá trị giao dịch gia tăng và hai chỉ số chính đồng thời xác lập các mốc kỷ lục mới. Cụ thể, VN-Index có bốn phiên tăng điểm và một phiên điều chỉnh, ghi nhận mức điểm cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.323,09 điểm và 1.287,36 điểm. Như vậy cả tuần, VN-Index đã tăng 36,53 điểm (+2,8%) và lên mức 1.320,46 điểm.
Bên cạnh đó, HNX-Index cũng có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp, trong tuần có bốn phiên đi lên và một phiên giảm điểm, chạm mức cao nhất và thấp nhất tương ứng 311,379 điểm và 297,669 điểm. Tuần qua, HNX-Index tăng 12,47 điểm (+4,2%) và lên mức 310,46 điểm.
Các nhóm ngành chủ chốt “bao phủ” sắc xanh
Trong tuần, thanh khoản trên hai sàn tiếp tục gia tăng so với tuần trước đó, đạt trung bình khoảng 26.300 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên do thị trường tăng điểm mạnh, giá trị giao dịch trên sàn HoSE mặc dù tăng 4,2% và đạt 115.458 tỷ đồng song khối lượng giao dịch lại giảm 5,5% với 3.609 triệu cổ phiếu. Cùng đó, giá trị giao dịch tại sàn HNX cũng tăng 6,7%, đạt 16.125 tỷ đồng nhưng khối lượng đã giảm 6% với 706 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, các chỉ số chính trên hai sàn tăng tốc với các nhóm ngành chủ chốt đa phần chốt tuần trong sắc xanh. Tại các nhóm cổ phiếu trụ cột, ngành ngân hàng tăng giá mạnh nhất với 5,8% về giá trị vốn hóa, trong đó VCB (+2,9%), BID (+5,4%), CTG (+6,1%), VPB (+1,2%), MBB (+8,8%), TCB (+4,3%), VIB (+4,9%), TPB (+9,4%), ACB (+3,7%), SHB (+3,8%)...
Tiếp đến, nhóm ngành nguyên vật liệu có mức tăng 4,8% giá trị vốn hóa với các mã HPG (+2,3%), HSG (+8,8%), NKG (+3,9%)...; nhóm hàng tiêu dùng tăng 2,4% giá trị vốn hóa, như VNM (+2,1%), MSN (+0,5%), SAB (+7,5%), BHN (+3%)... Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp dược phẩm, y tế, công nghệ thông tin, tiện ích cộng đồng, tài chính… đều tăng giá trong tuần.

Tuan 31/5-4/6: Chung khoan buoc vao giao doan giang co giua mua va ban hinh anh 2Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:

(*) Giá tham chiếu-Đơn vị: Nghìn đồng.
Trên sàn HoSE, mã ABS tăng giá mạnh nhất gần 40% (từ 31.000 đồng lên 43.350 đồng), tiếp theo là DCL tăng 33% (từ 36.100 đồng lên 47.900 đồng). Song trái với xu hướng chung, cổ phiếu LCM giảm mạnh nhất tuần (từ 2.490 đồng xuống 2.250 đồng).
Tương tự phía sàn HNX, mã NVB tăng giá ấn tượng nhất với 24% (từ 17.300 đồng lên 21.500 đồng), mã CMC đứng thứ hai với mức tăng 23% (từ 5.200 đồng lên 6.400 đồng). Ở chiều ngược lại, mã THS rớt thảm hại nhất với 40% (từ 51.600 đồng xuống 30.900 đồng).
Gió đảo chiều ở khối ngoại?
Về diễn biến của khối ngoại, nhà đầu tư quay đầu mua ròng trong hai phiên giao dịch cuối tuần (ngày 26-27/5). Tuy nhiên xét chung cả tuần, khối ngoại vẫn bán ròng với giá trị 474,33 tỷ đồng trên HoSE, tương ứng với khối lượng 12,06 triệu đơn vị. Xét theo khối lượng ròng, HPG bị bán lớn nhất với 16 triệu cổ phiếu, tiếp theo là FUEVFVND với 7,2 triệu chứng chỉ quỹ. Ở chiều ngược lại, PLX là mã được các nhà đầu tư nướ ngoài mua ròng nhiều nhất với 9,9 triệu cổ phiếu.
Trong khi tại sàn HNX nhóm nhà đầu tư ngoại thể hiện hoạt động mua ròng tích cực hơn với giá trị 174,12 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng ròng 30.000 cổ phiếu. Trong đó, mua ròng lớn nhất là SHB với 1,9 triệu cổ phiếu, tiếp theo là THD với 1 triệu cổ phiếu và VND là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với 1,2 triệu cổ phiếu.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Trưởng phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán MB (MBS), có một số thông tin từ quốc tế có thể tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Đơn cử như đà phục hồi trên các thị trường châu Á giúp cổ phiếu toàn cầu ghi nhận phiên tăng giá thứ bảy liên tiếp (trong thứ Sáu) khi các nhà đầu tư đặt cược vào khả năng nước Mỹ sẽ dẫn dắt thế giới vượt qua đại dịch COVID-19 với tâm điểm chú ý là kế hoạch chi tiêu công trị giá hàng nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Chứng khoán Á-Âu tăng điểm nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ
Về kỹ thuật, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với giá trị giao dịch lập kỷ lục mới cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường và tâm lý khá hưng phấn của nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chốt tuần ngay trên ngưỡng 1.320 điểm và đây cũng là vùng mục tiêu của sóng tăng 5 (trong khoảng 1.320-1.325 điểm) nên có thể coi là vùng giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán trong thời gian tới. Điều này có nghĩa vùng giá hiện tại đang khá nhạy cảm đối với thị trường chung và nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong tuần giao dịch tới,” ông Thắng nhấn mạnh.
Dự báo xu hướng tuần giao dịch từ ngày 31/5-4/6, ông Thắng cho rằng thị trường có thể xuất hiện những phiên rung lắc khi áp lực chốt lời gia tăng tại vùng giá hiện tại.
Vì vậy chuyên gia này đưa ra khuyến nghị: “Các nhà đầu tư đã mua vào các vị thế ngắn hạn (khi thị trường điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.250 điểm) trong phiên ngày 18/5 và chốt lời trong phiên cuối tuần ngày 28/5 (khi thị trường có nhịp tăng tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.320-1.325 điểm) nên đứng ngoài và quan sát trong tuần tới. Nhà đầu tư với tỷ trọng tiền mặt lớn hạn chế mua đuổi trong giai đoạn hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh về các mức giá hấp dẫn hơn.”
Nhận định chung về thị trường cơ sở, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân Hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại có cái nhìn lạc quan hơn. Họ cho rằng sau phiên điều chỉnh ngày 27/5, thị trường nhanh chóng hồi phục trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/5 cho thấy dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường khả quan hơn. Thanh khoản của thị trường cũng tăng mạnh cùng với độ rộng tích cực vẫn đang ủng hộ nhịp tăng và khả năng VN-Index sẽ dao động trong vùng điểm 1320-1350 điểm trong tuần tới./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/