Các nhà đầu tư đã đặt cược vào đồng USD – đồng tiền có tác động tới toàn bộ các thị trường tài chính, chứng khoán, hàng hóa toàn cầu, nhưng lại ngày càng lo lắng về việc thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu kết thúc các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ sắp đến hay chưa, và cũng lo rằng việc Fed nâng lãi suất có dẫn tới sự kết thúc xu hướng giảm giá suốt 15 tháng qua của đồng USD hay không.
Một số người cho rằng Fed có thể sắp siết chặt chính sách tiền tệ và USD sẽ tăng giá lên, nếu lạm phát của Mỹ vượt mức 0,4% hàng tháng – mức mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ mong đợi.
Đối với ECB, trọng tâm mối quan tâm của nhà đầu tư ở thể chế này là bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chương trình mua trái phiếu của ECB sắp chậm dần lại.
Cả 2 thể chế tài chính này đều sẽ có thông tin vào ngày thứ Năm (10/6), và chính những dự đoán trên đã làm triệt tiêu những biến động của các loại tiền tệ chủ chốt, bởi nhà giao dịch chỉ giữ thái độ chờ - xem chứ không tham gia giao dịch nhiều.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ, dữ liệu giá sản xuất và giá tiêu dùng tháng 5 của Trung Quốc cho thấy đã có bước nhảy vọt lớn nhất trong vòng hàng chục năm – báo hiệu rằng các nhà máy không hấp thụ chi phí nguyên liệu tăng, nghĩa là áp lực giá đang chuyển sang chuỗi cung ứng, có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Chiến lược gia tiền tệ Joe Capurso của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Các nhà kinh tế Mỹ đang kỳ vọng mức tăng 0,4% so với tháng trước ở cả lạm phát chung và lạm phát cốt lõi - những con số quan trọng”. Song ông nói: “Tôi nghĩ rủi ro là họ không đạt được điều đó,” và trong trường hợp đó lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ giảm, USD cũng sẽ yếu đi, trừ phi các con số đó đủ mạnh để gây chấn động thị trường chứng khoán, khiến nhà đầu tư hoảng sợ đến mức phải rút tiền khỏi chứng khoán để chuyển sang USD.
Dự báo EBC sẽ giữ nguyên các chính sách tài chính tiền tệ trong thời gian tới, nhưng đồng EUR có thể sẽ nhạy cảm với những thay đổi về dự báo kinh tế của ngân hàng, hoặc bất cứ tín hiệu nào cho thấy tốc độ mua trái phiếu sắp chậm lại.
Chỉ số dollar index trong phiên giao dịch 10/6 có lúc chạm mức thấp gần nhất 5 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt, là 90,206 (không xa so với mức thấp nhất 5 tháng là 89,533 chạm tới hồi tháng trước – mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1).
Euro tăng lên mức cao nhất 1 tuần, là 1,2218 USD, trong khi yen Nhật dao động ở 109,565 JPY/USD, ở giữa khoảng biên độ 109,19-110,325 của 2 tuần gần đây.
Đô la Australia và đô la New Zealand biến động nhẹ trong biên độ hẹp, với AUD ở mức 0,7741 USD và đã quanh mức này suốt 2 tháng qua, trong khi NZD cũng tương tự, hiện ở mức 0,7197 USD.
GBP cũng trì trệ ở mức 1,4155 USD do xuất hiện những nghi ngờ về tiến độ hôi phục kinh tế sau khi ở Anh đã gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta của virus corona – có thể khiến cho kế hoạch mở cửa kinh doanh trở lại, dự kiến vào 21/6, bị trì hoãn.
Ở Châu Á, các tiền tệ trong khu vực tiếp tục tăng nhẹ so với USD trong ngày 10/6 cũng do những dấu hiệu về lạm phát cao ở Mỹ. Giống như các nhà đầu tư tiền tệ khắp nơi trên thế giới, các nhà đầu tư tiền tệ Châu Á cũng giữ thái độ chờ - xem những dấu hiệu về chính sách của Fed, sẽ thể hiện ở các báo cáo về lạm phát và việc làm của Mỹ.
Đồng peso của Philippines baht Thái Lan tăng khoảng 0,2% so với đồng USD.
Đồng nhân dân tệ ngày 10/6 đạt mức cao nhất 1 tuần so với USD nhưng giao dịch thưa thớt. Trên trưa là 6,3854 CNY, tăng 11 pip so với đóng cửa phiên liền trước. Có thời điểm trong ngày CNY đạt 6,38 CNY, cao nhất kể từ 3/6.
Tỷ giá tham chiếu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố trước giờ giao dịch là 6,3972 CNY/USD, thấp hơn 16 pips so với 6,3956 USD của phiên liền trước.
Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát của Mỹ trong tháng 5 sẽ tăng 0,4% so với tháng trước, nhưng dữ liệu việc làm gần đây cho thấy số việc làm mới không tăng nhiều như dự kiến, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giá sản xuất tháng 5 đã tăng với tốc độ cao nhất trong vòng hơn 12 năm, chủ yếu do giá nguyên liệu tăng, nhưng điều đó cũng không dẫn tới giá tiêu dùng tăng mạnh. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 tăng 9% so với một năm trước đó, so với mức dự báo 8,5% trong một cuộc thăm dò của Reuters và so với mức tăng 6,8% vào tháng Tư. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cùng tháng chỉ tăng 1,3%, chậm hơn mức 1,6% dự kiến.
Điều đáng quan tâm là thị trường tiền tệ Trung Quốc hầu như không có phản ứng với dữ liệu PPI cao. Đồng CNY vẫn quanh mức 6,4 CNY, cho thấy nhà đầu tư tiếp tục “chờ và xem” dữ liệu lạm phát của Mỹ và cuộc họp của ECB.
Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ING, cho biết: "Có lẽ các thị trường trái phiếu hoàn toàn đúng. Lạm phát mà chúng ta đang thấy ... chỉ là nhất thời".
Chiến lược gia tiền tệ Kit Juckes của Societe Generale cho biết: “Các thị trường cần được đảm bảo rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu không bị đe dọa từ các chủng COVID nguy hiểm, hoặc từ việc Fed buộc phải thay đổi chiến lược (về kích thích) sớm hơn nhiều so với dự kiến.”
Ông thêm rằng: “Cho đến nay, vắc-xin có vẻ hoạt động tốt, và mặc dù việc phân phối chưa đồng đều… song tiến trình tiêm chủng về mặt tổng thể vẫn đang tăng tốc… Đó là lý do để hy vọng”. Tuy nhiên, đối với các thị trường tài sản rủi ro thì nhà đầu tư “cần được trấn an thường xuyên rằng Fed sẽ không thắt chặt sớm hơn dự kiến. Và vì vậy, chúng tôi chờ dữ liệu CPI (của Mỹ) sẽ công bố vào ngày thứ Năm, sau đó là báo cáo cảu FOMC vào tuần tới," ông Kit Juckes cho biết.
Diễn biến thị trường tiền tệ trong những ngày tới được nhận định là sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu và thông tin từ Fed, BOC, ECB và CIP.

Nguồn: VITIC / Reuters