Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 23.619 VND/USD (giảm 1 đồng so với cuối tuần qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 24.450 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 24.780 VND/USD (không đổi).
Tỷ giá USD hôm nay tại đa số ngân hàng giảm so với cuối tuần qua. Ngân hàng VPBank giảm 47 đồng giá mua nhưng tăng 3 đồng giá bán lên mức 23.393 – 23.743 VND/USD. Ngân hàng Á Châu giảm 100 đồng giá mua nhưng tăng 120 đồng giá bán lên mức 23.350 – 23.900 VND/USD. Ngân hàng Đông Á tăng 215 đồng cả giá mua nhưng giảm 5 đồng giá bán xuống mức 23.570 – 23.780 VND/USD. Vietcombank giữ nguyên cả giá mua và giá bán ở mức 23.380 – 23.750 VND/USD.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.350 – 23.570 VND/USD, còn bán ở mức 23.743 –23.900 VND/USD. Trong đó, Ngân hàng Đông Á có giá mua USD cao nhất và Ngân hàng VP Bank có giá bán USD thấp nhất so với các ngân hàng khác.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.550 đồng/USD (không đổi so với cuối tuần qua) và bán ra 23.620 đồng/USD (không đổi).
Tỷ giá USD ngày 20/3/2023
ĐVT: đ/USD

Tỷ giá USD ngày 20/3/2023 giảm nhẹ

USD thế giới suy yếu
USD Index hiện ở mức 103,77 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,13% ở mức 1,0683. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,12% ở mức 1,2194. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,58% ở mức 132,60.
Theo Investing, đồng USD đã trượt giá từ cuối tuần trước sau khi các nhà chức trách và ngân hàng hành động để giảm bớt căng thẳng cho hệ thống tài chính, giảm nhiệt cho hầu hết các loại tiền tệ chính đã sụt giảm trong tuần này sau sự hỗn loạn của các ngân hàng.
Hành động giải cứu Ngân hàng First Republic tại Mỹ vào ngày 16/3/2023 đã làm tăng rủi ro trên toàn cầu khi lo ngại về một cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng toàn cầu giảm bớt, tạo điều kiện cho đồng đô la Úc và New Zealand tăng vọt vì theo truyền thống, các loại tiền tệ đối cực thường bị “xa lánh” trong thời điểm lo ngại rủi ro.
Với sự giám sát của các cơ quan chức năng, các ngân hàng lớn của Mỹ đã bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào Ngân hàng First Republic, vốn đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng do sự sụp đổ của hai ngân hàng cỡ trung bình khác của Mỹ trong tuần qua.
Động thái này diễn ra sau thông báo của Credit Suisse trước đó vào ngày 16/3/2023 rằng họ sẽ vay tới 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, sau khi ngân hàng trung ương đưa ra một cứu cánh tài chính cho những tình huống khó khăn này.
Nhưng ngay cả khi thị trường đi xuống làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách hôm 16/3. Các nhà hoạch định chính sách của ECB đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng các ngân hàng của khu vực đồng tiền chung vẫn rất vững chắc và nếu có bất cứ điều gì xảy ra, việc chuyển sang mức lãi suất cao hơn sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận của họ.
Đồng yen Nhật vẫn tăng do các nhà giao dịch vẫn tìm đến các tài sản an toàn, vẫn lo ngại rằng căng thẳng gần đây đang diễn ra tại các ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu có thể chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng hệ thống lan rộng.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC