Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 23.606 VND/USD (giảm 6 đồng so với cuối tuần qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 24.450 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 24.780 VND/USD (không đổi).
Tỷ giá USD hôm nay biến động tăng giảm không đồng nhất giữa các ngân hàng Thương mại. Ngân hàng Á Châu giảm 50 đồng giá mua nhưng tăng 90 đồng giá bán lên mức 23.400 – 23.830 VND/USD. Ngân hàng VPBank tăng 130 đồng giá mua và tăng 160 đồng giá bán lên mức 23.535 – 23.845 VND/USD. Ngân hàng Đông Á không đổi giá mua nhưng giảm 20 đồng giá bán xuống mức 23.430 – 23.740 VND/USD. Vietcombank tăng 30 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 23.410 – 23.760 VND/USD.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.400 – 23.535 VND/USD, còn bán ra 23.740 –23.845 VND/USD. Trong đó, Ngân hàng VPBank có giá mua USD cao nhất và ngân hàng Á Châu có giá bán USD thấp nhất so với các ngân hàng khác.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.715 đồng/USD (tăng 5 đồng) và bán ra 23.775 đồng/USD (tăng 5 đồng so với cuối tuần qua).
Tỷ giá USD ngày 3/1/2023
ĐVT: đ/USD

Tỷ giá USD ngày 3/1/2023 tăng giảm không đồng nhất giữa các ngân hàng

USD thế giới tăng giá nhẹ
USD Index đóng cửa ở mức 103,68 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,09% ở mức 1,0678. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,07% ở mức 1,2057. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,1% ở mức 130,60.
Theo Investing, đồng USD đã tăng giá trong phiên đầu năm, thoát khỏi mức thấp nhất trong sáu tháng gần đây so với rổ các loại tiền tệ chính. Đồng bạc xanh trước đó đã suy yếu khi thị trường đặt cược rằng chu kỳ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp kết thúc. Tâm lý thị trường vẫn mong manh và ngày giao dịch đầu tiên của năm ảm đạm khi nhiều quốc gia, trong đó có các trung tâm thương mại lớn như Anh và Nhật Bản, đóng cửa nghỉ lễ.
Ulrich Leuchtmann, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Commerzbank cho rằng chỉ số USD index đang cố gắng tăng cao hơn vào phiên đầu năm nhưng cuối cùng nó đang mất đi một phần sức mạnh của năm ngoái. Sau cuộc họp gần đây nhất của Fed, thị trường không tin rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Sau khi tăng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản kể từ tháng 3 để kiềm chế lạm phát gia tăng, Fed đã bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất. Việc Fed thắt chặt chính sách đã giúp nâng chỉ số USD index lên 8% vào năm ngoái, đánh dấu bước nhảy vọt hàng năm lớn nhất kể từ năm 2015.
Thị trường vẫn tập trung vào các ngân hàng trung ương và lạm phát, cũng như các tín hiệu về thời gian suy thoái có thể kéo dài và sâu. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho rằng năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12 với tốc độ mạnh nhất trong gần ba năm. Nhưng sự suy thoái trong hoạt động sản xuất của khu vực đồng euro có thể đã qua đáy khi chuỗi cung ứng phục hồi và áp lực lạm phát giảm bớt theo một cuộc khảo sát cho thấy hôm qua. Những lo ngại về nguồn cung khí đốt trong mùa đông đã giảm bớt, nghĩa là suy thoái có thể không tồi tệ như lo ngại vài tháng trước.
Người đứng đầu ECB Christine Lagarde cho biết tiền lương của khu vực đồng euro đang tăng nhanh hơn so với suy nghĩ và ECB phải ngăn chặn điều này làm tăng thêm lạm phát vốn đã cao. Chuyên gia Piet Haines Christiansen của Danske Bank nhận định sức mạnh của đồng euro gần đây được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả bình luận “hiếu chiến” của ECB và hy vọng lãi suất của Mỹ đạt đỉnh cùng hy vọng rằng nguồn cung cấp năng lượng trong khí đốt tự nhiên không phải là một tình huống tồi tệ như lo ngại.

Nguồn: Vinanet/VITIC