Theo báo cáo mới của Google, Temasek và Bain & Company, 6 nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và sẽ đạt 200 tỷ USD trong năm nay và đạt 330 tỷ USD vào năm 2025
Báo cáo chỉ ra cột mốc 200 tỷ USD này đã đạt được sớm hơn 3 năm so với dự báo trước đó, khi tăng trưởng tới 20% so với mốc 161 tỷ USD của năm ngoái. Cả 6 quốc gia cũng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số về giá trị giao dịch từ năm 2022 đến năm 2025.
Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng. Báo cáo dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch tại Việt Nam sẽ đạt 31%, từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD vào năm 2025. Philippines đứng ngay sau với mức tăng trưởng dự kiến là 20%, từ 20 tỷ USD lên 35 tỷ USD.
Đông Nam Á cũng tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet, với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng lên 460 triệu người.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng người dùng đã bắt đầu chậm lại khi chỉ tăng 4% vào năm 2022. Để so sánh, vào năm 2020 mức tăng là 11% và 2021 là 10%, thời điểm đỉnh cao của đại dịch Covid-19.
Thương mại điện tử sẽ chậm lại
Thương mại điện tử tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng trong khu vực mặc dù hoạt động mua sắm ngoại tuyến đã được khôi phục. Tổng giá trị giao dịch trong lĩnh vực này đã tăng 16% lên 131 tỷ USD trong năm 2022.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho biết: “Thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng tốc, khi giao hàng thực phẩm và phương tiện truyền thông trực tuyến đang quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.”
Thương mại điện tử sẽ tăng trưởng chậm lại do yếu tố vĩ mô. Ảnh: Brink
Một động lực tăng trưởng khác đến từ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, bao gồm thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư và bảo hiểm, cũng có mức tăng trưởng tốt trong 2 năm qua do người dùng dần chuyển sang thanh toán trực tuyến.
Trong số các dịch vụ này, bảo hiểm ghi nhận mức cao nhất, tăng 31%, cho vay tăng cũng đã 25%.
“Một số thói quen mới đã được hình thành khi người dùng chấp nhận áp dụng các công cụ số, minh chứng là nền kinh tế số đã tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái”, Stephanie Davis, phó chủ tịch Google Đông Nam Á, trao đổi với CNBC.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, ba năm tới có thể chứng kiến sự chậm lại trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tỷ lệ tăng trưởng kép dự báo vào khoảng 17% từ năm 2022 đến năm 2025.
Lý do đến từ các tác động kinh tế vĩ mô như tỷ lệ lạm phát tăng cao, giá cả tăng, thu nhập giảm do suy thoái kinh tế, chính sách zero-Covid của Trung Quốc làm gián đoạn từ chuỗi cung ứng.
Nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn
Các khoản đầu tư vào kinh tế số vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, nhưng các nhà đầu tư sẽ dần trở nên thận trọng hơn.
Theo báo cáo, những công ty đầu tư vào các startup giai đoạn đầu vẫn sẽ hoạt động mạnh mẽ, nhưng với những kỳ lân chuẩn bị niêm yết thì đang phải xem xét khá nhiều bởi năm 2021 là một năm không khởi sắc của các kỳ lân Đông Nam Á.
Nhiều thương vụ gây thất vọng như Grab, gã khổng lồ gọi xe có trụ sở tại Singapore, đã có màn IPO không mấy thành công vào cuối năm 2021 mặc dù đây là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất của một công ty Đông Nam Á tại Mỹ.
kinh te so, thuong mai dien tu, tang truong, mua sam truc tuyen, vi dien tu, startup, dong nam a, grab, IPO anh 2
Grab có màn IPO không mấy thuận lợi trong năm 2021. Ảnh: CNBC
Hay như FinAccel, công ty mẹ của nền tảng Kredivo tại Indonesia, cũng đã hủy kế hoạch IPO vào tháng 10 do điều kiện thị trường không thuận lợi.
“Các nhà đầu tư sẽ thận trọng trong ngắn hạn vì họ không mong đợi xảy ra tình trạng như năm 2021. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư vẫn lạc quan vào tiềm năng trung và dài hạn của khu vực Đông Nam Á”, báo cáo nhận định.
Các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn chuẩn bị khoảng 15 tỷ USD để đầu tư. Họ cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các thị trường mới nổi, như Philippines và Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, như SaaS và Web3”.
“Chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá không còn là một chiến lược khả thi. Các nhà đầu tư đang muốn hướng đến những công ty có khả năng sinh lời, dòng tiền tự do và tỷ suất lợi nhuận tốt”, Fock Wai Hoong, phó giám đốc công nghệ và tiêu dùng của Temasek, nói với CNBC.