CTCP Chứng khoán VNDirect mới công bố báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, theo đó nhận định kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những thách thức bên ngoài để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối 2022.
Công ty dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,8% trong 6 tháng cuối năm 2022 (so với mức giảm 0,2% nửa cuối năm 2021), qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,1%.

VNDirect: GDP nửa cuối năm sẽ tăng 7,8%, cả năm đạt 7,1%

Nguồn: VNDirect.

VNDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,1% năm nay. (Nguồn: VNDirect).
Những động lực chính đến từ mức nền thấp của quý III/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, việc mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí và các gói kích thích kinh tế mới cũng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó đông lực còn đến từ dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cấp phép cho các chuyến bay thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi tích cực với GDP quý II tăng trưởng 7,7%. Đối với 3 trụ cột nền kinh tế, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% so với cùng kỳ, ngành dịch vụ và nông nghiệp lần lượt tăng lần lượt 8,6% và 3.
Trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4%. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, theo sau là ngành dịch vụ (tăng 6,6%) và nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản (tăng 2,8%).
Trong báo cáo, các chuyên gia của VNDirect nhấn mạnh lại quan điểm rằng phục hồi trong nước sẽ là động lực giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua các thách thức bên ngoài. Điều này thể hiện qua xuất khẩu của Việt Nam và hoạt động đầu tư tư nhân trong nửa đầu năm 2022 tương đối tích cực.
Tuy nhiên, công ty nhận thấy rằng xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, dẫn đến giảm nhu cầu hàng xuất khẩu từ Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2022.
Ngoài ra, khối phân tích nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa vội vã trong việc kế hoạch thắt chặt và chính sách tiền tệ đang được điều hành đồng bộ với gói hỗ trợ tài khóa trong năm nay.
Gói cấp bù lãi suất bổ sung quy mô 40.000 tỷ đồng cùng với giảm thuế GTGT xuống 8% từ 10% đã được triển khai trong sáu tháng đầu năm 2022. Tuy vậy, chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn một chút vào cuối quý IV với mức tăng lãi suất điều hành vào khoảng 25-50 điểm cơ bản.
Lạm phát, theo VNDirect đánh giá vẫn là rủi ro hàng đầu. Mặc dù CPI tăng nhẹ 2,25% so với cùng kỳ trong 5T22, nhưng lạm phát sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2022 do cả cầu kéo và chi phí đẩy.
Nếu giá dầu duy trì đà tăng, Chính phủ có thể tiếp tục giảm thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Công ty kỳ vọng CPI bình quân ở mức 3,5% cho năm 2022, thấp hơn so với mốc kế hoạch 4%. Các rủi ro vĩ mô khác bao gồm khủng hoảng địa chính trị và chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc, cả hai đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
 

Nguồn: Vietnambiz