Ngày 29/8, WB công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ mùa thu năm 2021. Theo đó, dự báo tăng trưởng đang bị hạ thấp cho hầu hết các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8,5% đúng như dự kiến, nhưng dự báo tăng trưởng cho các quốc gia khác trong khu vực chỉ ở mức 2,5%, thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo kỳ tháng 4/2021.
Tại Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Nhưng tính toán này với điều kiện các biện pháp hạn chế đi lại sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm thành công vào cuối quý 3, để nền kinh tế bật lại vào quý 4/2021.
WB nhận định, sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực.
Vì thế, báo cáo cho rằng, trong thời gian còn lại của năm, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách tiền tệ và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
WB khuyến nghị, với dư địa tài khóa hiện có, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các nguồn lực để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng, nhất là nếu những rủi ro đó gia tăng.
Ngoài ra, WB cảnh báo, khu vực tài chính có thể phải đối mặt với rủi ro nợ xấu ngày càng cao, nên các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần tiếp tục thận trọng, nhất là với những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp từ trước đại dịch.
Trong bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu mới đây, SSI Research cũng nhận định, chính sách tiền tệ trong thời gian tới duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch. Mặc dù nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, biện pháp hỗ trợ khác như tăng hạn mức tín dụng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Nguồn: haiquanonline/Hương Dịu