Theo thông tin do Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến trung tuần tháng 8 đã cán mốc khoảng 250 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt xấp xỉ 124 tỷ USD, tăng gần 19%; nhập khẩu đạt gần 126,4 tỷ USD, tăng gần 22,3%.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK hàng hóa tiếp tục gia tăng cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này với sự phát triển của nền kinh tế, là đầu ra tương đối ổn định cho sản xuất trong nước. Đáng ghi nhận, đến nay đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD.

Đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN… hàng hóa Việt cũng bước đầu XK thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh…

Dự báo, tổng kim ngạch XK năm nay có thể đạt 200 tỷ USD, tăng khoảng 13% - con số kim ngạch cao nhất từ trước đến nay.

Tiềm năng tăng trưởng kim ngạch XK thời gian tới dự kiến sẽ còn rất dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sở hữu rất nhiều loại hàng hóa có thế mạnh và ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng như: nông, thủy sản, điện thoại, hàng dệt may… Quan trọng là các doanh nghiệp XK kịp chuyển mình, nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường.

Đơn cử, xét về cơ cấu thị trường, Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị thế là thị trường lớn nhất của hàng Việt. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất đối với XK của Việt Nam sang thị trường này là xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Điển hình như các quy định về dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo, quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh đối với thủy sản hay chương trình thanh tra cá da trơn đã tác động không nhỏ đến XK nông, thủy sản của Việt Nam thời gian qua. Do vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo, về lâu dài, cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK tại thị trường này.

ASEAN và Trung Quốc được nhận định tiếp tục là những thị trường XK chủ lực của nước ta. Trong khi Trung Quốc nhập khẩu tương đối nhiều hàng hóa của nước ta thì XK vào ASEAN khó khăn hơn bởi sự tương đồng về cơ cấu hàng hóa XK. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung năng lực sản xuất và chế biến tinh, nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả để thâm nhập mạnh hơn vào các khu vực thị trường này, qua đó khai thác triệt để lợi thế về khoảng cách địa lý, tiết giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng.

Riêng đối với một số thị trường quan trọng khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, chuyên gia gợi ý, các nhà XK cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, nhất là sự an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: baocongthuong.com.vn