5 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20,23 tỷ USD
Theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5 năm 2024 (16-31/5) đạt 17,56 tỷ USD, tăng 20,2% (tương ứng tăng 2,95 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 5/2024.
Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 5/2024 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 5/2024 ở một số nhóm hàng quan trọng như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 710 triệu USD (tương ứng tăng 39,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 558 triệu USD (tương ứng tăng 31,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 327 triệu USD (tương ứng tăng 12,6%); sắt thép các loại tăng 262 triệu USD (tương ứng tăng 98%)…
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20,23 tỷ USD
Bên cạnh đó, dữ liệu thống kê của cơ quan Hải quan cũng ghi nhận kim ngạch một số nhóm hàng xuất khẩu trong kỳ 2 tháng 5/2024 giảm mạnh so với kỳ trước như:
Dầu thô giảm 37 triệu USD (tương ứng giảm 33,1%); sản phẩm hóa chất giảm 27,3 triệu USD (tương ứng giảm 22,9%); cà phê giảm 18,1 triệu USD (tương ứng giảm 10,3%)…
Như vậy, tính hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 156,28 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 20,23 tỷ USD).
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 5/2024 đạt 12,66 tỷ USD, tăng 22% (tương ứng tăng 2,28 tỷ USD) so với kỳ 1 của tháng.
Lũy kế hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 111,93 tỷ USD, tăng 13,1% (tương ứng tăng 12,95 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Doanh nghiệp FDI chiếm 67,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 303,94 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 205,44 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 24,82 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 98,5 tỷ USD, tăng 21,1% (tương ứng tăng 17,18 tỷ USD).
Như vậy, khối doanh nghiệp FDI chiếm 67,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong 5 tháng qua.
Về xuất khẩu, kỳ 2 tháng 5 (16-31/5), kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 12,66 tỷ USD, tăng 22% (tương ứng tăng 2,28 tỷ USD) so với kỳ 1 của tháng 5/2024, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng của doanh nghiệp FDI lên 111,93 tỷ USD, tăng 13,1% (tương ứng tăng 12,95 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế lớn ở các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị…
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 5 là 9,68 tỷ USD, giảm 10,1% (tương ứng giảm 1,09 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 5/2024.
Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 93,51 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng tăng 11,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 63,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. 5 tháng qua, cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư 18,42 tỷ USD.
Xuất khẩu tôm Việt Nam kỳ vọng đà tăng trưởng
Theo VASEP, lũy kế từ đầu năm đến 15/5/2024, kim ngạch xuất khẩu của tôm Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 15/5/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 134 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số lũy kế từ đầu năm chỉ tăng nhẹ nhưng xuất khẩu tôm sang thị trường này đã có xu hướng tăng tốt trong các tháng gần đây.
Lũy kế đến 15/5, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 161 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu lũy kế từ đầu năm giảm nhẹ nhưng đã có dấu hiệu tăng từ tháng 4.
Các đơn hàng từ EU và Nhật Bản dự kiến tăng trong quý 2 năm nay. Nhất là thị trường EU, có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tăng, đặc biệt với các sản phẩm tôm có chứng nhận. Nhu cầu từ Nhật Bản cũng khá tích cực tuy nhiên đơn đặt hàng chậm hơn do đồng yên mất giá và diễn ra tuần lễ Golden Week (một kỳ nghỉ dài quan trọng của nước này).
Tính đến 15/5/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 223 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù con số lũy kế tăng nhưng xuất khẩu sang thị trường này đã có dấu hiệu giảm trong những tháng gần đây.
Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu hơn 10 tỷ USD
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các sản phẩm chính, mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm lần lượt 1% và 3%.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%. Nhóm mặt hàng cua ghẹ tăng trưởng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Trong top 5 thị trường hàng đầu của thủy sản Việt Nam, Mỹ là thị trường có sự tăng trưởng tích cực nhất với mức tăng 7% trong 4 tháng đầu năm. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái.
VASEP đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 6% trong 5 tháng đầu năm là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,65 tỷ USD; cá tra đạt 910 triệu USD; cá ngừ đạt 457 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt 294 triệu USD; cua ghẹ đạt 119 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ đạt gần 74 triệu USD.