Tổng dư nợ cho vay mua cổ phiếu tại các CTCK hiện lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm, trong bối cảnh thị trường đang trong xu hướng giảm. Nhiều người cảm thấy lo lắng khi cơn ác mộng mất thanh khoản của cả thị trường lẫn hàng loạt CTCK 3 năm về trước vẫn còn nguyên trong ký ức của họ. Nhưng đối với các CTCK lớn, việc này dường như không khiến họ sốt ruột.


SSI là công ty có tổng dư nợ cho vay lớn nhất toàn thị trường với 2.500 tỷ đồng cho vay trên tổng số vốn hơn 4.000 tỷ, nhưng SSI không lấy gì làm lo lắng. Theo SSI, trước đây, các CTCK cho vay ở những mã đầu cơ và giá trị thực tế thấp nên độ rủi ro rất cao. Còn hiện nay, dư nợ cho vay của công ty lại tập trung nằm ở các mã tốt, thanh khoản cao nên không có gì đáng lo.

Tương tự, VN-Direct, công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng rất tự tin kể cả thị trường đang trong xu hướng điều chỉnh giảm.

Lý giải sự lạc quan của các CTCK trước việc gia tăng dư nợ cho vay ký quỹ, đại diện của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, đằng sau hàng chục nghìn tỷ đồng tiền vay margin là hàng nghìn tỷ đồng tiền phí cho vay, phí môi giới chảy vào túi các CTCK. Vậy nên các công ty không phải lo ngại hay từ chối các cơ hội "vàng" đem lại doanh thu và lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam phân tích: "Trong điều kiện cho vay margin an toàn, các CTCK được lợi lớn. Ví dụ mức lãi suất cho vay ngân hàng là 6% trong khi CTCK cho vay với mức lãi 13%. Như vậy, mức chênh lệch mà các CTCK được hưởng là 6%".

Cũng theo ông Hải, bản thân các CTCK không nên mạo hiểm khi mở rộng margin vì margin có thể mang lại lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu thị trường đảo chiều.

Trước nhiều luồng ý kiến về vấn đề tổng dư nợ đang tăng cao có đáng ngại hay không, UBCK khẳng định mức dư nợ hiện nay vẫn nằm trong ngưỡng cho phép và cơ quan quản lý đang kiểm soát rất chặt hoạt động này.

Theo VTV

Nguồn: VTV