Các nhà máy lọc dầu đã chế biến 61,1 triệu tấn trong tháng 4/2023, tương đương 14,87 triệu thùng mỗi ngày (bpd), mức cao thứ hai được ghi nhận và tiếp nối mức cao nhất là 14,9 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2023.
Khối lượng dầu thô có sẵn cho các nhà máy lọc dầu từ nhập khẩu và sản lượng trong nước trong tháng 4/2023 là 59,71 triệu tấn, tương đương 14,53 triệu thùng/ngày.
Trong tháng 4/2023, tổng lượng dầu thô có sẵn thấp hơn 340.000 thùng/ngày so với khối lượng được xử lý bởi các nhà máy lọc dầu, lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2021.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, Trung Quốc đã bổ sung khoảng 770.000 thùng/ngày vào các kho lưu trữ thương mại hoặc chiến lược, tỷ lệ này đã giảm xuống 480.000 thùng/ngày trong 4 tháng đầu tiên do lượng hàng tồn kho giảm trong tháng 4.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang được đẩy mạnh hoạt động để tận dụng nhu cầu nhiên liệu trong nước đang tăng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa do COVID-19.
Các nhà máy lọc dầu cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiên liệu tinh chế đã được chính phủ cấp hạn ngạch bổ sung, khi Bắc Kinh tìm cách nhanh chóng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các nhà máy lọc dầu tìm kiếm lợi nhuận cao cho các sản phẩm trong quý đầu tiên của năm, đặc biệt là dầu diesel.
Nhìn chung, triển vọng về khối lượng lọc dầu ở Trung Quốc vẫn mạnh mẽ, với thị trường trong nước phục hồi và xuất khẩu sản phẩm có khả năng duy trì ổn định.
Về mặt nhập khẩu dầu thô, với lượng nhập khẩu trong tháng 4/2023 thấp nhất kể từ tháng 1/2023 ở mức 10,3 triệu thùng/ngày. Đây có thể là một yếu tố tạm thời do các nhà máy lọc dầu cần ít lượng dầu thô hơn khi họ bước vào giai đoạn bảo trì truyền thống, nhưng cũng có thể phản ánh rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc chưa đồng đều.
Sau đó là vấn đề giá cả, với việc các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trước đây đã cho thấy rằng nếu họ cho rằng dầu thô tăng quá cao hoặc với tốc độ quá nhanh, thì họ sẵn sàng nhập khẩu ít hơn.
Ngược lại, khi giá dầu thô giảm, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng cường mua vào, chẳng hạn như trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 khi dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Một yếu tố khác cần tính đến là độ trễ giữa thời điểm mua dầu thô và thời điểm giao hàng thực tế, một quá trình có thể kéo dài tới ba tháng.
Việc cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày được nhóm các nhà xuất khẩu OPEC+ công bố vào đầu tháng 4 đã dẫn đến giá dầu Brent tăng trong thời gian ngắn, đạt 87,49 USD/thùng vào ngày 12 tháng 4. Tuy nhiên, kể từ đó, giá đã giảm trở lại và đóng cửa ở mức 75,86 USD/thùng.
Theo Refinitiv Oil Research ước tính, trong tháng 5, dự kiến nhập khẩu sẽ phục hồi, ước tính lượng nhập khoảng 11,83 triệu thùng/ngày, tăng 1,53 triệu thùng/ngày so với trong tháng 4.
Việc kết thúc bảo trì nhà máy lọc dầu và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là những động lực có thể khiến nhập khẩu dầu cao hơn trong tháng 5.

Nguồn: VITIC/Reuter