Chính phủ Indonesia đang cố gắng khôi phục lại lĩnh vực thăm dò dầu và khí đốt do trữ lượng dầu và khí đốt của nước này đã giảm và các công ty cắt giảm chi tiêu sau khi giá dầu giảm gần 60% kể từ giữa năm 2014.
Các nhà phân tích đã cảnh báo kết quả của việc cắt giảm chi tiêu là sản lượng sụt giảm mạnh tại các giếng dầu châu Á trong thập kỷ tới, làm tăng sự phụ thuộc của khu vực này vào nhập khẩu dầu mỏ.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, chính phủ đã thông báo họ loại bỏ thuế trong thăm dò dầu mỏ và khí đốt.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này có tiềm năng tăng trưởng nhu cầu năng lượng khá mạnh và giữ trữ lượng khí đốt lớn thứ hai châu Á – Thái Bình Dương, nhưng việc quan liêu và điều hành không rõ ràng đã cản trở sự phát triển của lĩnh vực này.
Utama, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết “việc giảm ngân sách thăm dò toàn cầu sẽ dẫn tới tập trung vào chi phí thấp hơn, triển vọng nguy cơ thấp hơn trong chế độ cung cấp lợi nhuận đầu tư tốt nhất trong thời gian ngắn nhất có thể”. “Đây sẽ là thách thức cho Indonesia, nơi quy định không rõ ràng và quan liêu đã dẫn tới việc chậm trễ và nghi ngờ về một số dự án dầu mỏ và khí đốt quan trọng”.
Indonesia muốn tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt để hỗ trợ tài chính cho chính phủ. LĨnh vực này được dự kiến đóng góp chỉ 3,4% cho doanh thu nhà nước năm 2016, giảm từ 25% trong năm 2006.
Indonesia là một thành viên của OPEC nhưng đã trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ trong nhiều năm. Sản lượng dầu đã giảm ổn định từ mức đỉnh 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 1991 xuống trung bình 786.000 thùng/ngày trong năm 2015, theo số liệu của chính phủ Indonesia.
Tổng trữ lượng dầu mỏ của Indonesia là 3,6 tỷ thùng vào cuối năm 2015, mức thấp nhất kể từ khi BP bắt đầu thu thập số liệu trong năm 1980. Nước này giữ trữ lượng khí đốt lớn thứ hai sau Trung Quốc, mặc dù cũng giảm từ mức đỉnh trong năm 2008.
Các tập đoàn Chevron, ExxonMobil và Total là các nhà đầu tư lớn nhất tại Indonesia.
Các nhà đầu tư đang đợi để xem liệu chính phủ sẽ cải thiện các điều khoản tài chính trong hợp đồng chia sẻ sản lượng không, chẳng hạn cung cấp cho nhà đầu tư thị phần sản lượng lớn hơn để thúc đẩy lợi nhuận và dòng tiền mặt tại các công ty dầu mỏ và khí đốt.
Một quan chức dấu tên do ông không được nói chuyện với giới truyền thông cho biết các ngành công nghiệp đã vận động để giảm giá khí đốt, điều đó có thể phủ nhận những nỗ lực của chính phủ Indonesia để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.
Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet