Tại kỳ điều hành giá chiều ngày 8/3, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định chi Quỹ bình ổn giá xăng đối với các mặt hàng như sau: Xăng E5 RON92: 704 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 600 đồng/lít); Dầu diesel: 92 đồng/lít; Dầu hỏa: 453 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 105 đồng/lít); Dầu mazut: 52 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trên, Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp giữ ổn định giá bán các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 18.340 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 15.716 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 14.560 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 12.528 đồng/kg.
Riêng đối với xăng RON95, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đề nghị các thương nhân chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức 80 đồng/lít xăng RON95 và giữ ổn định giá bán xăng RON95 như hiện hành.
Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu được áp dụng từ 15h00, ngày 8/3/2018.
Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu sẽ do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15h00, ngày 8/3/2018 đối với các mặt hàng xăng dầu.
Thông cáo của Liên Bộ cũng cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 8/3 là: 73,516 USD/thùng xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON92); 76,588 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 80,392 USD/thùng dầu hỏa; 366,970 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Giá Etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo Công văn số 239/BTC-QLG ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 13.828,43 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21/2, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng A95 400 đồng/lít xuống mức thấp nhất 20.180 đồng/lít. Các mặt hàng còn lại cũng được trích quỹ bình ổn để đồng loạt giảm giá.
Theo đó, giá bán lẻ với xăng E5 đến người dùng không cao hơn 18.340 đồng/lít; dầu diesel 15.716 đồng/lít; dầu hỏa ở mức tối đa 4.560 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 12.528 đồng/kg... giảm từ 100-600 đồng/lít. Đây là lần đầu tiên giá cơ sở đối với mặt hàng xăng RON 95 được công bố.
Giá xăng sau khi điều chỉnh

Thế giới
Trong phiên giao dịch đầu tuần (5/3), giá dầu lấy lại đà phục hồi, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng thêm 6,9 triệu thùng/ngày, lên mức 104,7 triệu thùng/ngày vào năm năm 2023. Theo IEA, nhu cầu năng lượng thế giới tăng cao nhờ đà tăng trưởng kinh tế ở châu Á và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp hóa dầu ở Mỹ, sẽ làm nhu cầu năng lượng thế giới tăng lên 104,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 6/3, nhờ sự yếu đi của đồng USD. Theo các chuyên gia, giá dầu nhận được hỗ trợ, giữa bối cảnh đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần so với rổ tiền tệ, trước diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 6/3, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Seoul, Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong, người vừa dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc sang thăm Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng cam kết ngừng mọi hành động khiêu khích quân sự, trong đó có các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong khi tiến hành đối thoại với Hàn Quốc, đồng thời thể hiện sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 7/3, giá dầu thế giới giảm mạnh do những quan ngại về việc kế hoạch đánh thuế nhập khẩu cao đối với thép và nhôm của Washington có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại và số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô của nước này đã gia tăng. Giá “vàng đen” tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 8/3, do đồng USD mạnh lên, sản lượng dầu của Mỹ gia tăng và các dấu hiệu cho thấy dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma (Mỹ) ngày càng đầy hơn.
Dự trữ dầu tại kho chứa tại Cushing, Oklahoma, Mỹ tăng hơn 290.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/3, theo số liệu từ công ty cung cấp dữ liệu các thị trường năng lượng Genscape. Nếu mức tăng này được xác định bởi dữ liệu chính thức, đây sẽ là lần đầu tiên dự trữ dầu tại khu vực này tăng, sau khi đã giảm hơn một nửa kể từ tháng 11/2017.
Sau hai phiên đi xuống liên tiếp, giá dầu phục hồi mạnh mẽ trong phiên cuối tuần (9/3), giữa bối cảnh chứng khoán Phố Wall đi lên, nhờ số liệu tích cực về thị trường lao động Mỹ. Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về khả năng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể xoa dịu tình hình căng thẳng địa chính trị. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,88 USD (2,96%) lên 65,49 USD/thùng; còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 1,92 USD (3,19%) lên 62,04 USD/thùng.
Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng vẫn là nhân tố chi phối giá “vàng đen”. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây dự đoán sản lượng dầu thô của Mỹ trung bình sẽ đạt mức 11,17 triệu thùng/ngày trong quý IV/2018, tăng so với dự đoán đưa ra trước đó là 11,04 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng nhận định việc sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh trong vài năm tới sẽ đáp ứng hầu hết nhu cầu tiêu thụ đang gia tăng trên toàn cầu. Sản lượng dầu gia tăng của Mỹ sẽ bù đắp cho việc sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng chậm lại.

Nguồn: VITIC tổng hợp/Bnews.vn, TTXVN

Nguồn: Vinanet