Trong nước, ngày 23/4 Liên Bộ Tài chính-Công Thương quyết định giữ nguyên giá bán lẻ mặt hàng xăng, tăng nhẹ giá các mặt hàng dầu.
Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cụ thể: Xăng E5 RON92: 958 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 790 đồng/lít); Xăng RON95:451 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 300 đồng/lít); Dầu diesel: 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít); Dầu hỏa: 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít);
Theo Liên bộ Tài chính-Công Thương, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường điều chỉnh như sau: Xăng E5 RON92: giữ ổn định giá; Xăng RON95-III: giữ ổn định giá; Dầu diesel 0.05S: tăng 380 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 500 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 407 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng hiện ở mức, xăng E5 RON92 có giá 18.932 đồng/lít; Xăng RON95-III ở mức giá 20.500 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S là 16.734 đồng/lít; Dầu hỏa có giá 15.581 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S ở mức 13.360 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, thời gian trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được áp dụng từ 15h ngày 23/4.
Thế giới, tuần qua giá dầu WTI giảm 0.4%. Các hợp đồng dầu thô tương lai trồi sụt trong ngày thứ Sáu (27/04), trong đó đà sụt giảm giá dầu đã bị kìm hãm khi thị trường dự báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, dẫn đến khả năng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran và tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu năng lượng của nước này, MarketWatch đưa tin.
Các hợp đồng dầu thô tương lai cũng không dao động nhiều trong phiên giao dịch buổi chiều sau khi dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 5 giàn lên 825 giàn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 9 xu (tương đương 0.1%) xuống 68.10 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 0.4%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 9 xu còn 73.79 USD/thùng. Hồi đầu tuần này, giá dầu Brent đã đột phá ngưỡng 75 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014.
Robert Yawger, Giám đốc phụ trách các hợp đồng dầu tương lai tại Mizuho, cho biết các biện pháp trừng phạt Iran đã được nới lỏng vào tháng 1/2016 như một phần của thỏa thuận hạt nhân. Hiện Iran xuất khẩu khoảng 2.5 triệu thùng/ngày. Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dầu tại Iran giảm từ 350,000 – 500,000 thùng/ngày.
Khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong số các yếu tố góp phần vào đà tăng của giá dầu, qua đó giúp nâng giá dầu WTI từ dưới 60 USD/thùng trong giữa tháng 2/2018 lên gần đỉnh 3 năm rưỡi 70 USD/thùng trong tháng này.
Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ cùng với những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng đóng vai trò quan trọng, bù đắp vào đà leo dốc sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 6 nhích 1.13 xu lên 2.1279 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 0.73 xu còn 2.1343 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 giảm 6.8 xu xuống 2.771 USD/MMBtu.
Nguồn: VITIC/Vietstock

Nguồn: vinanet